Bất ngờ mức thù lao của ông Phạm Nhật Vượng và nhiều thành viên HĐQT Tập đoàn Vingroup

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao.

Theo Báo cáo, trong nửa đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của của Vingroup đạt hơn  31.600 tỉ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu sụt giảm chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao nhiều trong nửa cuối năm nay. Dù vậy các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt sau đại dịch COVID-19, như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%, y tế và giáo dục tăng lần lượt 44% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí, thuế..., doanh nghiệp còn giữ lại lãi ròng sau thuế 1.065 tỉ đồng. 

Tại ngày chốt quý hai năm nay, khối tài sản của doanh nghiệp đạt xấp xỉ 528.960 tỉ đồng, tăng 23% so với mức ghi nhận vào ngày cuối năm ngoái. 

Đối với doanh nghiệp có mảng chính là kinh doanh mảng bất động sản như Vingroup, yếu tố hàng tồn kho được giới đầu tư quan tâm. Theo đó, hàng tồn kho tăng 61% lên gần 80.980 tỉ đồng, chủ yếu do chỉ tiêu bất động sản để bán đang xây dựng liên quan đến dự án mới mở bán Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire (phía đông Hà Nội). Các sản phẩm dự kiến được giao từ quý 3-2022 có thể giúp hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng bất động sản.

Cũng theo Báo cáo soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup, vừa công bố cho thấy trong giai đoạn nửa đầu năm, Vingroup và Vinhomes đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, Chủ tịch Vingroup và thành viên HĐQT Vinhomes không hề nhận bất cứ thù lao nào trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, ông cũng không nhận trong 6 tháng đầu năm 2021.

null
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng của Vingroup.

Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đang nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam). Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Vượng trị giá 6,6 tỷ USD, trong khi Forbes ghi nhận tài sản của tỷ phú Việt Nam là 4,9 tỷ USD.

HĐQT Vingroup gồm 9 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 4 thành viên HĐQT độc lập. Thù lao trong 6 tháng đầu năm gần 5 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch), bà Nguyễn Diệu Linh (Phó Chủ tịch) và thành viên HĐQT ông Yoo Ji Han - người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập không nhận thù lao. Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Hai người nhận cao nhất là Phó Chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng và Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương).

Lương cho Ban Tổng giám đốc Vingroup trong 6 tháng đầu năm là 19,6 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, lương của riêng CEO Nguyễn Việt Quang là gần 6,2 tỷ đồng, tăng 9%. Tính cả thù lao, ông Quang nhận từ Vingroup 7,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

vin2-1661912164.jpg
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng của Vinhomes.

Tại Vinhomes, ngoài ông Vượng, một thành viên HĐQT khác cũng không nhận thù lao là ông Asish Jaiprakask Shastry. 7 thành viên còn lại nhận từ 458 triệu đồng tới 1,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương ứng con số tổng là gần 4,8 tỷ đồng.

Về ban điều hành Vinhomes, Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Hằng nhận thù lao gần 6 tỷ đồng và các thành viên khác nhận hơn 14 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, giữa lúc thị trường biến động, mã VIC của Vingroup cũng nằm trong xu hướng chung. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu VIC neo ở giá 63.600 đồng/cổ phiếu, giảm 3% trong một tuần nay và giảm 22% trong vòng một quý gần đây. Cổ phiếu VHM tăng nhẹ 0,2 điểm (0,34%), ở mức 59.900 đồng/cổ phiếu.

Hiện Vietcombank là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất với hơn 390.400 tỉ đồng. Hai vị trí còn lại trong top 3 "câu lạc bộ" dẫn đầu về vốn hoá trên sàn lần lượt thuộc về Vinhomes với trên 262.500 tỉ đồng và Vingroup hơn 238.100 tỉ đồng. 

Nhận định về phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, Công ty Chứng khoán MB – MBS cho rằng thị trường còn tiếp đà tăng.

Theo MBS, khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục tăng điểm ở phiên trước kỳ nghỉ với thanh khoản thấp, dòng tiền sẽ tiếp tục luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán,…

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt – VDSC thì thận trọng cho rằng, dù thị trường tăng điểm và vượt qua gap giảm trong phiên trước nhưng diễn biến vẫn ẩn chứa sự thận trọng trong đó.

Nhìn chung dòng tiền vẫn đang thận trọng trước áp lực của vùng cản. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục giằng co và kiểm tra cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khả năng suy yếu của thị trường trước vùng cản 1.280 – 1.300 điểm của VN-Index.

“Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua đuổi. Đồng thời nên cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu” – VDSC đưa ra khuyến cáo.

Hồng Hương

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/bat-ngo-muc-thu-lao-cua-ong-pham-nhat-vuong-va-nhieu-thanh-vien-hdqt-tap-doan-vingroup-a68541.html