Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh của nền kinh tế

"Để văn hóa doanh nghiệp thể hiện tốt hơn sức mạnh của mình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp..."

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo Khoa học: Văn hóa doanh nghiệp – Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa năm 2030 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm xây dựng văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội.

Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát huy văn hóa doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Nhà nước, đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn cần có những giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế.

Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh của nền kinh tế - 1

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, đồng thời thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ, sản xuất. Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch của nhiều thương hiệu lớn như Viettel, VNPT, Vinamilk… đã trở thành những bài học kinh nghiệm quý để tham khảo, vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đi sâu đánh giá, phân tích vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia đã khẳng định việc phát huy văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Các nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay.

Qua đó, các tham luận, ý kiến đóng góp làm sáng tỏ hiệu quả của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời gian qua đối với sự phát triển bền vững đất nước. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid – 19.

Tham luận tại Hội thảo, đánh giá về thực trạng văn hóa doanh nghiệp hiện nay, PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, do sức ép về tăng trưởng kinh tế nên nhiều ngành, nhiều địa phương ít quan tâm đến phát triển văn hóa, chưa đầu tư đúng mức cho văn hóa. Trong khi xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, các nhà quản lý thường tập trung vào mục tiêu lợi ích kinh tế, chưa chú ý tới điều kiện sống, môi trường lao động và đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Doanh nghiệp thường chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến các giá trị văn hóa và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Xu hướng gạt bỏ các giá trị văn hóa và nhân văn ra khỏi hoạt động kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét trong đời sống xã hội.

Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh của nền kinh tế - 2

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Từ thực tế đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, để văn hóa doanh nghiệp thể hiện tốt hơn sức mạnh của mình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam từ đó lan tỏa những chương trình về văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật; xây dựng và lan tỏa những tấm gương văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu, lan tỏa những hành động đẹp, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, TS Nguyễn Viết Chức – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, chủ doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp là nhân tố quyết định trong việc khởi xướng, tạo dựng và duy trì để văn hóa doanh nghiệp mình định hướng xây dựng được hình thành, phát huy thực sự trong hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội. Đặc biệt là sự kiểm chứng với thử thách thời gian sẽ đảm bảo độ bền vững cho giá trị văn hóa doanh nghiệp tạo dựng nên, tránh việc quảng bá thái quá bởi những khẩu hiệu, những slogan mà thực tế hoạt động còn cách quá xa với những tuyên ngôn “kêu vang” của doanh nghiệp.

“Tôi nhấn mạnh điều này để cảnh tỉnh các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiểu rằng nó là việc hay, việc đúng nhưng là một việc khó, phải chuẩn bị một cách đầy đủ về vật chất và tinh thần, tâm thế và ý chí, nội dung và cách thức mới có thể thành công. Đã đặt mục tiêu, mục đích văn hóa thì phải theo nó đến cùng, không được ngã lòng, càng không được “thay lòng đổi dạ!”, ông Chức nói.

Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh của nền kinh tế - 3

TS Nguyễn Viết Chức – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng  (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu lên một số gợi dẫn nhằm phát huy tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Trong đó chú trọng tới việc phát huy tính linh hoạt, thích ứng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: kinh doanh, sản xuất tuân thủ pháp luật; không vi phạm sứ mệnh cao cả và tầm nhìn tốt đẹp của doanh nghiệp; phòng ngừa thói quen tùy tiện, cẩu thả, ham lợi nhỏ bỏ mất lợi lớn trong kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt là cần thường xuyên đề xuất, xây dựng các định hướng kinh doanh, sản xuất có sự kết hợp hài hòa giữa kế hoạch trước mắt và lâu dài, phát huy được những sở trường của doanh nghiệp.

Mặt khác, PGS. TS Nguyễn Văn Dương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước chú trọng xây dựng một nền văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế lấy văn hóa làm vai trò nòng cốt để phát triển. Văn hóa, đạo đức doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường “sánh vai cùng năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của dân tộc.

ht-1661520945.jpg
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học: Văn hóa doanh nghiệp – Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sau nhiều giờ thảo luận trong không khí cởi mở, sôi nổi, Hội thảo Khoa học: Văn hóa doanh nghiệp – Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch đã thu về những kết quả quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc nhận diện thực trạng và hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay, từ đó nỗ lực cùng hướng đến mục tiêu chung là phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch. Hội thảo đã đi đến nhất trí, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là điểm tựa phục hồi mà còn là sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, là tài sản văn hóa quan trọng để tạo ra niềm tin dẫn đạo và quy tắc ứng xử đạt chuẩn chân – thiện – mỹ trong môi trường kinh doanh.

Phạm Hằng

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/van-hoa-doanh-nghiep-la-suc-manh-noi-sinh-cua-nen-kinh-te-a68466.html