Còn hơn nửa tháng nữa mới đến Rằm Trung Thu nhưng ngay từ tháng 7 Âm lịch, chị em đã “rần rần” chia sẻ thành quả những chiếc bánh nướng, bánh dẻo tự tay mình làm khiến ai cũng háo hức và mong ngóng tới mùa Trăng tròn năm nay.
Từ những chiếc bánh Trung thu thạch thanh long đỏ, bánh nướng, bánh dẻo truyền thống hay bánh Trung thu healthy, Bánh Trung thu dẻo lạnh mochi sữa dừa đến đến những chiếc bánh Trung thu hiện đại được vẽ tay đẹp như một bức tranh. Tất cả đều khiến mọi người không thể kìm lòng và mong ước có được để thỏa thích ngắm nhìn, cùng gia đình thưởng thức trong ngày Tết Đoàn viên năm nay.
Đầu tháng 8 dương lịch, chị Thùy Dương đã khoe bộ ảnh bánh Trung Thu vẽ tay đẹp nức lòng của mình vừa mới thực hiện. Mong muốn giữ nguyên tinh thần về nét đẹp cổ truyền nên chị đã lựa chọn những bức tranh đậm chất Việt Nam và truyền thống để thể hiện lên chiếc bánh Trung thu của mình.
Đầu tháng 8 dương lịch chị Dương đã gây sốt bởi bộ bánh Trung Thu với chủ đề dân gian của mình.
Nhìn những chiếc bánh Trung Thu chị làm khiến ai cũng háo hức bởi những ký ức thuở xưa cũ ùa về qua những bức tranh dân gian cổ điển, nào là phích nước rạng đông, nào là phong cảnh non sông đất nước, nào là văn hóa âm nhạc, dân tộc Việt, nào là đèn dầu, gánh hàng rong, bếp củi. Tất cả đều được chị truyền tải vào những chiếc bánh Trung Thu bằng những nét vẽ vô cùng đẹp và khéo léo của mình.
Những chiếc bánh Trung Thu đẹp như tranh của chị Thùy Dương.
Còn với chị Anh Đào Thái ở Đà Nẵng năm nay không lựa chọn làm bánh Trung thu như truyền thống, chị lên ý tưởng làm những chiếc bánh healthy không tinh bột, không đường tinh luyện, không chất béo xấu, món quà ý nghĩa cho người bị bệnh tiểu đường mong muốn thưởng thức hương vị của chiếc bánh nướng, bánh dẻo.
Những chiếc bánh Trung Thu healthy nhưng hương vị vẫn giữ nguyên 90% so với bánh Trung Thu truyền thống.
Chị Anh Đào Thái thổ lộ, bản thân chị không phải là người quá cuồng đồ ăn healthy. Vào dịp lễ Tết đặc biệt trong năm như Trung Thu chị vẫn sẽ luôn dành sự ưu ái cho chiếc bánh Trung Thu truyền thống nhưng vì mẹ bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay nên chị đã tạo ra công thức làm chiếc bánh healthy để mẹ cũng có thể đón Trung Thu trọn vẹn.
“Mẹ mình là bệnh nhân tiểu đường đã nhiều năm nay. Là một đứa con gái đam mê làm bánh, mình tự hỏi tại sao lại không làm những chiếc bánh đặc biệt dành riêng cho mẹ. Thế là mình mày mò các công thức trên mạng, học chỗ này một chút học chỗ kia một chút, và cuối cùng là đúc rút ra một công thức duy nhất, không giống ai. Điểm đặc biệt là công thức này cho ra hương vị bánh giống vị bánh truyền thống đến 90%. Mình và mẹ đã háo hức thưởng thức từng miếng bánh và cho đến khi ăn hết lúc nào không hay”, chị Anh Đào Thái thổ lộ.
Chiếc bánh đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa mà chị muốn dành cho mẹ tận hưởng trọn vẹn mùa Trung Thu năm nay.
Năm nay, chị Nguyệt Ngô cũng mạnh dạn làm những chiếc bánh Trung Thu hiện đại từ đầu tháng 8. Mặc dù tay ngang sang làm bánh và mới làm được 2 năm nhưng những chiếc bánh của chị cũng nhận không ngớt lời khen của mọi người.
Những chiếc bánh Trung Thu hoa nổi nghệ thuật của chị Nguyệt Ngô.
Chị Hằng Lê cũng khoe những hình ảnh bánh Trung Thu hoa nổi nghệ thuật mình làm từ đầu tháng 8. Chị Hằng Lê chia sẻ, với những người không chuyên để làm một khay bánh cần mất 2 ngày.
Trong văn hoá Á Đông, tiếng chim báo hiệu tin vui, điềm lành nên hình tượng chim Hỷ Tước thường được dùng rất nhiều tranh treo tường, đồ vật phong thuỷ. Chị Hằng Lê đã đưa hình ảnh chim Hỷ Tước vào trong chiếc bánh với mong muốn mọi người có một mùa Trung Thu tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Những chiếc bánh Trung Thu của chị Nguyễn Thủy (Mẹ Nghé) luôn khiến mọi người phải "điên đảo" vì quá đẹp, quá xuất sắc.
Ngay từ giữa tháng 8, chị Nguyễn Hà cũng đã cho ra mẻ bánh Trung Thu đầu tiên của riêng mình cho “bằng chị bằng em”.
THAM KHẢO THÊM CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU NƯỚNG TRUYỀN THỐNG Chuẩn bị nguyên liệu: * Phần vỏ bánh: nguyên liệu này chuẩn bị cho tầm 5 đến 6 bánh 200g. Với cách chuẩn bị nguyên liệu như dưới đây sẽ giúp cho các bạn mới làm bánh dễ thực hiện, gần như thành công ngay lần làm đầu tiên về hương vị, chất lượng. - 300g bột mì - 20g bột sư tử - 200g nước đường bánh nướng - 45g dầu ăn - 15g bơ đậu phộng - 10g rượu mai quế lộ (cho vào phần vỏ bánh sẽ làm bánh có mùi thơm hơn) - 1/2 thìa cà phê baking soda - 1 lòng đỏ trứng gà * Phần nhân bánh: Có thể đủ với 6 bánh hoặc dư chút ít. Nếu các bạn chưa làm đến có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Nguyên liệu làm nhân đều tính chung 100g cho dễ thực hiện: - 100 gr hạt dưa - 100gr hạt bí - 100 gr hạt điều - 100 gr mứt bí - 100 gr mứt sen - 100 gr mỡ đường - 100 gr lạp xưởng - 100 gr mè trắng - 15 cái lá chanh - 10 ml rượu mai quế lộ - 2 muỗng cà phê dầu hào - 1/4 muỗng cà phê bột ngọt - 1/4 muỗng cà phê tiêu bắc - 1/2 gói ngũ vị hương - 50g - 100g bột bánh dẻo (tùy vào lượng nhân ướt hay khô) * Phần hỗn hợp quét mặt bánh: - 1 lòng đỏ trứng gà - 5 ml nước lọc - 3-5 ml dầu mè - 1 ml nước tương - 5 ml sữa tươi không đường Cách làm bánh nướng Bước 1: Phần vỏ bánh - Cho nước đường, lòng đỏ, dầu ăn, bơ đậu phộng, baking soda vào âu sạch rồi trộn đều cho hỗn hợp sánh mịn, quyện đều với nhau. - Rây bột vào âu hỗn hợp nước đường rồi khuấy đều để bột ngậm đủ nước. Dùng tay trộn nhẹ bột, đủ để bột hòa quyện nhau. Lưu ý là không nhào bột mạnh tay, không làm quá lâu. Chỉ làm vừa đủ để bột tạo khối mịn, không quá ướt không quá khô là được. Việc nhào bột quá kỹ, sẽ khiến bánh mất nét khi đóng vào khuôn. - Dùng màng bọc bọc kín khối bột. Để nghỉ tầm 20 đến 30 phút. Bước 2: Phần nhân bánh - Dùng dao hoặc kéo các loại hạt (như hạt sen, mứt bí). - Hạt dưa, vừng trắng rang lên cho thơm. Chú ý, chỉ rang khi hạt dưa phồng lên, kêu tanh tách, có mùi thơm, lửa phải nhỏ để hạt không bị cháy. - Lạp xưởng luộc chín rồi cắt lát thật mỏng hoặc cắt hạt lựu. - Lá chanh chọn lá tươi, không dập héo, rửa sạch, vẩy thật khô rồi xếp lá vào cắt thật nhỏ kiểu thái chỉ. - Cho tất cả các nguyên liệu của nhân vào âu sạch, thêm nước lọc, rượu mai quế lộ và trộn đều. Đây chính là phần hỗn hợp giúp kết dính nhân và giúp nhân thơm, ngon. Cho các nguyên liệu làm nhân vào chảo, đặt lên bếp, bật bếp đảo nhân tầm 5 phút. Nhân sẽ quyện đều với nhau và lên màu nhân rất đẹp. Khi tắt bếp thì rắc lá chanh vào, đảo đều lần nữa. - Sau đó để nhân nguội bớt mới cho bột bánh dẻo, dùng bao tay đảo đều nhân, sau đó chia nhân cân cho phù hợp với lượng vỏ. Vì làm bánh 200 g thì cứ 70g bột vỏ sẽ có 130g nhân. Bước 3: Đóng bánh vào khuôn - Chuẩn bị ít bột khô để làm bột áo. Chia vỏ bột thành các phần nặng 70g, viên tròn lại. - Có thể dùng bột khô hoặc dầu ăn để thoa vào khuôn, bề mặt khuôn để chống dính. - Cán mỏng miếng bột của vỏ. Không cán quá mỏng hay quá dày. - Đặt viên nhân vào giữa, miết bột lên cho đều, bám chặt vào nhân. Tránh không để lọt khí vào bên trong. Chính điều này, cũng là một trong những nguyên nhân sẽ khiến bánh bị phồng khi nướng. Có thể dùng tăm nhọn đâm vài lỗ nhỏ ở xung quanh bánh cho khi thoát đều ra ngoài. - Đặt khối bột vào giữa khuôn. Ấn nhẹ. - Đặt khuôn xuống mặt bàn phẳng, một tay giữa cố định khuôn, tay kia ấn khuôn xuống với 1 lực vừa đủ mạnh để tạo hình cho bánh, sau đó ấn thêm lần nữa để tạo nét bề mặt được rõ hơn. - Trong khi đóng bánh thì bật lò nướng trước 20 phút với nhiệt độ 170 độ C. Bước 4: Nướng bánh - Tùy lò nướng nhà mình sử dụng để căn chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. - Mình nướng bánh lần 1 ở nhiệt độ 180 độ c trong tầm 25 phút. Thực ra so với nhiều bạn làm bánh thì cho rằng thời gian 25 phút hơi dài, nhưng qua nhiều lần nướng rút ra kinh nghiêm, mình thấy rằng ở lần 1 nên nướng lâu hơn, thậm chí gấp đôi thời gian lần 2. Với cách nướng này sẽ giúp bánh chín, vỏ bánh lên màu đẹp. - Trong khi nướng bánh, pha các nguyên liệu ở phần quét bánh vào chén, trộn đều rồi lọc qua rây. - Bánh sau khi nướng 10 phút. Lấy khay ra. Phun nước lên bề mặt bánh. Để nguội. - Sau khi bánh nguội. Dùng cây quét loại có đầu nhỏ, mềm mềm để quét hỗn hợp lên mặt bánh. Quét vừa đủ lớp mỏng, không nhiều sẽ làm mất nét bánh. - Rồi đặt khay vào nướng tiếp. Thêm 10 phút là bánh đạt. Khi lò nướng báo hiệu hết thời gian, mình để bánh trong lò thêm 5 phút mới lấy ra. - Bánh sau khi nướng sẽ có phần cứng, màu vàng nhưng chưa được đậm lắm, tầm 1-2 ngày vỏ bánh sẽ có màu vàng đậm, đẹp hơn, phần vỏ cũng mềm, thơm hơn. Với cách làm trên, ai cũng có thể thực hiện được, mang đến những hương vị đặc trưng của bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống cho gia đình, bạn bè. |
Hồng Nhung
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/chua-den-ram-thang-8-chi-em-da-toi-tap-khoe-anh-banh-trung-thu-dep-nhu-tranh-a68463.html