Sửa Luật Đất đai: Phòng, chống tham nhũng, hạn chế khiếu nại vì đất

Sáng 23/8, tại trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn TP và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.

Thu hồi đất các dự án không đưa đất vào sử dụng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn đã báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, công tác quy hoạch sử dụng đất thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 1.855ha đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.

Theo thống kê, số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đã được thành phố chỉ đạo giải quyết là 30.896 vụ. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 26,9 tỷ đồng và gần 17,7ha đất…

null
Quang cảnh Hội nghị.

Từ những bất cập về quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn, UBND TP Hà Nội kiến nghị rà soát bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất).

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng...

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có quy định chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai...

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng...

Chủ trương bỏ khung giá đất tạo đột phá quan trọng

Đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn Hà Nội, đại diện lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý, trao đổi một số bất cập trong quản lý đất đai, tập trung đóng góp ý kiến thực tiễn nhằm sửa đổi Luật Đất đai.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến, bỏ khung giá đất - điểm mới quan trọng được luật hóa theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chủ trương này được xem là tính đột phá quan trọng.

hn2-1661395552.jpeg
Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu tại Hội nghị.

Luật Đất đai năm 2013 hiện quy định khung giá đất bám giá thị trường nhưng thực tế luôn có khoảng cách lớn giữa giá đất thị trường và giá nhà nước quy định. Khoảng cách này vô hình trung tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và trục lợi đất đai. Do đó, Dự thảo lần này đã bỏ khung giá đất, kỳ vọng sẽ bỏ được sự chênh lệch giá trị thực và giá trị ảo, giúp phòng, chống tiêu cực tham nhũng và hạn chế giảm mạnh khiếu nại từ đất.

Theo đó, bảng giá đất sẽ được xây dựng căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, thay vì căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ như hiện nay. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành.

Bên cạnh đó, sau khi bỏ khung giá đất, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm, thay vì định kỳ 5 năm 1 lần như hiện nay…

Ngoài ra, Dự thảo luật cũng bổ sung 2 trường hợp sử dụng bảng giá đất làm căn cứ tính toán bao gồm: Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng và tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân. Xây dựng quy trình thu hồi đất 4 bước và sửa đổi bổ sung các nguyên tắc bồi thường về đất, nguyên tắc bố trí tái định cư phần nào tháo gỡ một số điểm nghẽn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội. Các ý kiến đều khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong cuộc sống.

hn3-1661395552.jpeg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai, cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai, cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này và  trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là lắng nghe các ý kiến của cử tri là chuyên gia, nhà xây dựng luật, phản biện, giám sát, nhóm cử tri là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, từ đó lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần phải sửa đổi.

Các cơ quan tham mưu hiện đang tích cực lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý đến nhân dân, trong đó có những vấn đề về kết cấu, quan điểm, nguyên tắc, khái niệm, giải thích từ ngữ. Các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến xác đáng về công tác quản lý, những bất cập trong công tác này trong thời gian qua; hành vi cấm, xử phạt vi phạm; công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB tái định cư; giá đất, bản đồ giá đất; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác.

“Qua hội nghị, Đoàn thu thập được nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có những ý kiến đóng góp gửi về Đoàn. Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Quốc hội” – bà Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ.

Minh Tâm

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/sua-luat-dat-dai-phong-chong-tham-nhung-han-che-khieu-nai-vi-dat-a68423.html