Chiếc cầu Phúc Đức
Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm, trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành. Hai mẹ con chàng thường phải chịu bữa ăn, bữa nhịn.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng xưa kia.
Xưa kia, ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món đáng bạc chục, bạc trăm, vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.
Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên đến xóm dưới, mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con.
Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã gần hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi đầu.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình, chàng không khỏi thấy ngán ngẩm.
Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác.
Chợt ông thầy đọc tới câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư ương”. Chàng bụng bảo dạ: “Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho tả”. Rồi tự đáp: “Phải, quả thật đúng như vậy”. Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi mang ra chợ bán. Công việc thật là vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi mới kiếm được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy yên tâm hơn mọi ngày.
Ảnh minh họa.
Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!”. Cái tiếng “ba đời ăn trộm” làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: “Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó”.
Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được. Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò.
Mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói:
– Đó là một điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở…
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà. Tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu!
Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; chiều ra sức chuyển gỗ; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ.
Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải.
Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức. Một hôm đói quá chàng nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Giữa lúc ấy có một viên võ quan đi đến. Thấy đám đông đang xúm quanh một người nằm sõng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng bắc chiếc cầu phúc đức, đang làm thì vì mệt quá mà lăn ra ngất đi… Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống.
Được một lúc, chàng bắt cầu tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên võ quan nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, ngươi muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng! Về phần ta, ta xin nói thật: cha ta, ông ta, ông cụ ông kỵ ta, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của.
Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến ta ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng ta vẫn phải sống hiu quạnh.
Nay ta cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay ngươi có đồng ý để cho ta góp sức cùng nhau bắc chiếc cầu phúc đức này được không?
Chàng bắc cầu vui mừng nói:
– Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!
Hai người bèn kể cho nhau biết tên tuổi, quê quán rồi kết làm anh em. Viên võ quan hơn chàng bắc cầu bốn tuổi, được nhận là anh. Chàng bắc cầu nói:
– Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền.
Viên quan võ thân mật bảo chàng:
– Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để chú khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, chú nghĩ thế nào?
Chàng bắc cầu nói:
– Nếu vậy thì còn gì hay hơn!
Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là chiếc cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng cầu.
Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng.
Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến. Gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ, nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.
Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.
Lại nói đến chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững. Cơn gió bỗng vụt hóa thành người, tươi cười nói với chàng:
– Nhà ngươi chớ sợ, ta là thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà.
Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi:
– Mẹ ơi! Anh ơi! Em đây mà! Em hãy còn sống trở về nhà đây! Mau mau mở cửa!
Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh, lật đật xuống giường. Vợ chồng viên võ quan cũng chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng.
Từ đấy mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn.
Ít lâu sau, vợ viên quan võ có mang, đến tháng đến ngày chị sinh hạ được một con trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Còn chàng bắc cầu ít lâu sau cũng lấy vợ có con và sống sung sướng đến già.
Chàng hiệp sĩ gỗ
Ở góc cái hòm của một ông già múa rối có một chàng hiệp sĩ bằng gỗ. Đó là một chàng trai môi đỏ, cằm vuông, mắt xếch, đầu đội mũ võ sinh màu trắng, mình bận chiến bào lụa màu lục, lưng thắt dây xanh, chân dận ủng tía.
Trên vai chàng lúc nào cũng giắt một thanh bảo kiếm, có thắt dải lụa hồng ở đuôi. Mỗi lần hiệp sĩ vung thanh gươm lên thì bao nhiêu sự bất công, ngang trái ở trên đời đều được san bằng.
Đêm nay, một trận gió thoảng qua, bay lọt vào, khẽ lay động những con rối. Theo hơi gió từ ngoài sông thoảng vào, hiệp sĩ bỗng rùng mình khi nghe thấy tiếng người khóc.
Tiếng khóc kể nỗi lòng của một ông lão ăn mày mù. Ông có một con chó vàng ngày ngày dắt ông đi khắp chợ xin ăn, đêm về cùng ông ngủ dưới gốc đa. Vậy mà có kẻ ác nỡ đánh bả con chó, cướp đi nguồn sống và tình thương yêu duy nhất của ông.
Chàng hiệp sĩ giận sôi, muốn xông ra, như trên sân khấu, đem hết tài lực giúp ông lão, chữa cho đôi mắt ông sáng lại, trừng trị kẻ đã giết con chó trung thành của ông. Nhưng khốn nỗi, chàng chỉ là một con rối. Xương cốt của chàng chỉ là một mẩu gỗ. Thanh gươm oai vệ trên lưng chàng cũng chỉ là một mẩu gỗ.
Từ trước đến nay, chàng là hảo hán chỉ nhờ mười đầu ngón tay điều khiển của ông lão làm nghề múa rối. Nghĩ thế, chàng thấy thương thân quá, muốn khóc. Nhưng khốn khổ chưa, đến một giọt nước mắt cũng không thể có ở một người gỗ như chàng.
Tiếng khóc của ông lão mù đêm nay đã khơi dậy trong cái đời sống tù hãm của chàng hiệp sĩ gỗ một khát vọng kì lạ – khát vọng trở thành người.
Trở thành người thì chàng sẽ mang thanh gươm báu ra khỏi cái hòm gỗ bé nhỏ, vung gươm, san bằng mọi bất công, oan trái, làm cho trên mặt đất này không còn tiếng khóc. Mơ ước mông lung ấy bắt đầu nung nấu trong lòng chàng, khiến chàng trở nên hăng hái.
Đêm sau, đúng đêm ba mươi Tết, hiệp sĩ đang ôm giấc mộng làm người, bỗng thấy xuất hiện một người đàn bà. Một tay bà ta cầm đèn, tay kia cầm cái quạt giấy che nửa mặt, hai mắt lấc láo đảo quanh hòm. Bà ta cất tiếng khàn khàn hỏi:
– Có còn ai thức không đấy?
– Tôi còn thức đây. – Hiệp sĩ lên tiếng.
– Ta đi tìm tay hiệp sĩ gỗ.
– Tôi đây.
Người đàn bà giơ ngọn đèn soi lên mặt hiệp sĩ:
– Biết ngươi ao ước trở thành người, ta đến giúp ngươi.
Hiệp sĩ bàng hoàng:
– Tôi rất mong được trở thành người.
– Ta sẽ thoả mãn mơ ước của ngươi với điều kiện: ngươi phải giết một người để ta lấy hồn của nó truyền cho ngươi.
Ảnh minh họa.
Hiệp sĩ khảng khái:
– Tôi không hại người lương thiện.
– Người mà ngươi phải giết là một đứa con gái độc ác đã giết người. Nó đáng bị trừng trị. Phải giết nó, ngươi mới thoát khỏi kiếp gỗ mọt.
Chàng hiệp sĩ gỗ nhận lời. Thế là người đàn bà phẩy nhẹ chiếc quạt vào mặt chàng. Tức thì, hai con mắt mở trân trân của chàng bắt đầu đảo qua đảo lại, môi chàng mấp máy, chân tay cựa quậy.
Người đàn bà đặt chàng xuống đất, chàng lảo đảo trên đôi chân run rẩy rồi rùng mình, vươn lên, thở một tiếng thật dài, biến thành một người bằng xương bằng thịt, vững vàng. Người đàn bà dẫn chàng hiệp sĩ đến một kho thóc trong góc vườn tối đen, lệnh cho chàng phải giết cô gái trong đó.
Hiệp sĩ bước vào nhà kho. Trong ánh sáng cây đèn cầm trong tay, chàng nhìn thấy một cô gái trẻ trung, xinh đẹp đang sững sờ nhìn chàng, ánh mắt cô gái sáng lên niềm hi vọng:
– Hiệp sĩ hãy cứu tôi!
Hiệp sĩ lạnh lùng:
– Ta được lệnh giết một kẻ xấu xa là cô.
– Tôi là một kẻ xấu xa ư? Chàng muốn giết tôi thật ư? Không thể tin được. – Cô gái ngước nhìn chàng chăm chăm và bỗng mừng rỡ kêu lên – Trời, trông chàng giống hệt hiệp sĩ gỗ của ông lão múa rối! Hiệp sĩ ấy không bao giờ làm hại người lương thiện.
Hiệp sĩ bối rốì:
– Người ta bảo cô đã giết người.
Cô gái kinh sợ. Nghe chàng kể đầu đuôi mọi chuyện, cô gái nước mắt ròng ròng kêu lên:
– Đó là một phù thuỷ độc ác đã giết mẹ tôi, giờ định mượn tay chàng giết tôi…
Cô gái đứng trước chàng có vẻ mặt ngây thơ, trong trắng, không giống gương mặt của những kẻ ác. Thanh gươm chàng hiệp sĩ gỗ đã giơ lên, bỗng từ từ hạ xuống. Chàng vụt chạy ra ngoài. Mụ phù thuỷ đã đứng chặn trước mặt chàng. Chàng bảo:
– Tôi không giết người lương thiện, không tiếp tay cho kẻ ác.
Mặt mụ phù thuỷ tức thì xám đen rồi trắng bệch. Mụ rít lên:
– Phải, ta là một kẻ ác, ta muốn mượn tay mi giết đứa con gái đó. Nhung mi không làm thì mi sẽ trở về kiếp gỗ mục vô tích sự. Chả lẽ chỉ vì một đứa con gái mà mi rời bỏ mộng ước của mi. Nghe lời ta. Hãy can đảm giết nó đi!
Hiệp sĩ lại bước vào kho thóc nhưng lưỡi gươm của chàng không chĩa vào cô gái lương thiện mà bảo vệ cô thoát khỏi chỗ giam cầm.
Tiếng pháo giao thừa bỗng nổ ran. Trong tiếng pháo, chàng nghe tiếng rít của mụ phù thuỷ:
– Tên phản bội kia! Ta sẽ thu hồn mi vào trong cái quạt này.
Mụ cười gằn, phẩy nhẹ một cái. Gió từ chiếc quạt thổi vào mặt hiệp sĩ lạnh buốt. Gió quấn lấy người chàng. Mắt chàng tối sầm lại, tay chân bủn rủn. Hiệp sĩ thấy người nhẹ bỗng đi, như sắp trở về với kiếp gỗ và chết mục. Xung quanh, tiếng pháo đón xuân vẫn nổ giòn giã.
Hiệp sĩ bỗng cười lớn. Lòng căm giận đã khiến chàng bật lên tiếng cười. Tiếng cười báo hiệu một con rốì đã thực sự thành người. Tiếng cười truyền cho chàng một sức sống kì lạ, làm tan biến mọi yếu đuối vừa đè nặng trĩu thân thể chàng.
Mụ phù thuỷ từ kinh ngạc, chuyển thành khiếp sợ. Mụ đi giật lùi, chiếc quạt rơi xuống đất. Hiệp sĩ vung lưỡi gươm lên. Đường gươm như một ánh chớp sáng loà kết liễu cuộc đời mụ phù thuỷ độc ác.
Cường Bạo đại vương
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát. Bố mất từ thuở lọt lòng, anh sống với người mẹ cho đến khôn lớn, rồi bỏ nhà đến đây.
Vốn tính ngang tàng, từ người đến thần, anh chẳng sợ một ai, lại thường tự xưng mình là Cường Bạo đại vương. Nhất sinh Cường Bạo chỉ làm quen với Táo Quân. Lúc bắt được cá ngon tôm béo, Cường Bạo thường dọn mời Táo Quân cùng ăn. Bởi thế hai bên chơi với nhau thân thiết lắm.
Những khi trời sắp bão lụt, hay ở đâu có xảy ra việc gì lạ, Táo Quân thường bảo cho Cường Bạo biết. Cậy có chỗ dựa tốt, Cường Bạo ngày càng tỏ ra kiêu căng, khinh thị mọi yêu ma thần thánh, thậm chí coi Trời chỉ bằng cái vung.
Từ ngày có vợ, Cường Bạo đối đãi với mẹ không được như trước. Đã nhiều lần anh tỏ ra ngỗ ngược quá lắm, làm cho người mẹ hết sức giận dữ, phải kêu lên đến tận Trời.
Thấy một tên dân hạ giới không tuân phép tắc, Ngọc Hoàng thượng đế phái ngay Thiên Lôi xuống trừng phạt. Nghe tin chẳng lành, Táo Quân liền báo cho anh biết. Cường Bạo vấn kế:
– Làm thế nào để tránh được lưỡi búa của Thiên Lôi?
Táo Quân đáp:
– Tối nay anh đừng có đi đâu cả, Thiên Lôi xuống thế nào cũng phải đứng trên nóc chòi. Vậy giá có một thứ nước nhờn đặt trên nóc làm Thiên Lôi trượt ngã thì hay nhất. Lúc đó chỉ việc cho hắn ăn đòn.
Cường Bạo nghe lời, cứ theo cách ấy để trị Thiên Lôi. Bèn lấy rau mùng tơi giã ra lấy nước rồi hòa với dầu vừng thành một thứ nước nhờn sền sệt như mỡ. Đoạn anh dùng thứ ấy rưới lên nóc lều, lại quét vào lá chuối gác lên mái. Xong mọi việc, anh nấp trong xó tối ngồi đợi Thiên Lôi.
Quả nhiên đêm hôm ấy, Thiên Lôi cùng với thần Mưa, thần Gió ầm ầm lao xuống. Vừa đặt chân lên nóc lều Cường Bạo, Thiên Lôi vô tình giẫm phải thứ nước trơn, trượt chân ngã lăn oạch xuống đất.
Thế là Cường Bạo nhảy xổ ra cầm gậy vụt lấy vụt để. Sa cơ, Thiên Lôi bị đòn đau, cố gắng lắm mới nhỏm dậy được rồi chạy vụt về Trời.
Trong khi hốt hoảng, Thiên Lôi đánh rơi cả búa. Cường Bạo mừng lắm, nhặt lấy búa Thiên Lôi làm vũ khí tùy thân. Từ đấy đi đâu cũng khoe với mọi người rằng đã đánh ngã được Thiên Lôi rồi.
Về đến thiên đình, Thiên Lôi chẳng những đau ê ẩm cả người mà còn bị Ngọc Hoàng mắng cho một trận nên thân. Lập tức Ngọc Hoàng ra lệnh cho vua Thủy phải trừ ngay Cường Bạo vì hắn đã xúc phạm đến tướng nhà Trời. Vua Thủy vốn có một lũ bộ hạ rất đông và đắc lực. Thoạt đầu vua Thủy giao công việc ấy cho Quận Rết.
Quận Rết vâng lệnh bò đến chỗ nằm của vợ chồng chàng đánh cá, chui vào trong gối, định đến khuya sẽ ra cắn vào cổ. Táo Quân được tin, vội báo cho Cường Bạo biết. Anh bèn bảo vợ nấu một nồi nước sôi rồi đem chiếc gối nhúng vào, Quận Rết chết không kịp ngáp.
Đợi mãi không thấy Quận Rết về, Vua Thủy lại sai Quận Rắn lên. Biết hai vợ chồng Cường Bạo hay đi tiểu đêm ở sau hè, Quận Rắn bèn nấp vào đống rạ gần đó. Táo Quân lại kịp thời mách cho Cường Bạo biết. Đêm ấy hai vợ chồng hai gậy đón đánh dập đầu Quận Rắn.
Thấy cả hai bộ hạ có đi không về, vua Thủy vô cùng tức tối, mới tìm đến Diêm Vương kể chuyện cho nghe và nhờ báo thù.
– Hà ! Hà! Việc ấy chẳng có gì khó. Để tôi sai bộ hạ lên lôi cổ nó xuống giam dưới tầng ngục thứ mười tám cho nó biết tay. Xin ngài cứ yên trí.
Diêm Vương nói vậy, lập tức sai Quận Cú lên làm phận sự.
Quận Cú lên trần đúng vào lúc Cường Bạo còn đang đi đánh cá vắng. Đứng trên nóc lều của Cường Bạo, Quận Cú kêu lên ba tiếng. Ngay lúc đó vợ Cường Bạo nằm trong lều thiếp đi và tắt thở. Chừng Cường Bạo về thấy thế, vội vã đi cầu cứu Táo Quân, Táo Quân bảo:
– Anh khéo tay, hãy làm cho tôi một cái lồng chim cho thật đẹp. Tôi sẽ có cách cứu vợ anh.
Cường Bạo đan lồng không mấy chốc đã xong. Táo Quân xách lồng đi một mạch xuống cõi âm tìm đến nhà Quận Cú. Thấy cái lồng Quận Cú vui vẻ:
– Kính chào ngài Táo Quân. Ngài đi đâu mà xách cái lồng xinh thế kia. Ngài có thể vui lòng cho tôi xin được không?
Táo Quân đáp:
– Thật chẳng đáng là bao, ta sẵn sàng biếu ngươi. Nhưng trước hết ngươi hãy vào lồng xem có vừa mắt không đã. Quận Cú không nghi ngờ gì cả, chui ngay vào lồng. Lập tức Táo Quân đóng sập cửa lại, bảo:
– Ngươi bây giờ là tù của ta. Ta chỉ cho mở cửa là ngươi đi đứt.
– Cắn cỏ lạy ngài Táo Quân. Xin ngài sinh phúc tha cho tôi.
– Được thôi. Miễn là ngươi cho ta biết cách ngươi làm cho người ta chết như thế nào. Cứ nói thật đi, ta hứa sẽ thả.
– Tôi có hai cái lưỡi: một lưỡi âm và một lưỡi dương. Hễ bao giờ tôi kêu bằng lưỡi âm thì có người phải chết, kêu bằng lưỡi dương thì người sống lại.
– Ngươi hãy thè lưỡi âm ra cho ta xem.
Quận Cú vừa há miệng thè lưỡi âm thì Táo Quân bèn rút dao xẻo đứt ngay. Đoạn Táo Quân xách lồng đi gấp lên nhà Cường Bạo, bắt Quận Cú phải kêu lên ba tiếng. Tiếng kêu vừa dứt thì người vợ Cường Bạo tự nhiên sống lại. Táo Quân mở lồng cho Quận Cú về.
Diêm Vương tiu nghỉu khi thấy tướng tài của mình phái đi trở về thân tàn ma dại, bèn tâu báo lên Ngọc Hoàng biết. Ngọc Hoàng chưa bao giờ kinh ngạc và giận giữ đến như thế.
Ảnh minh họa.
Bèn hạ lệnh cho vua Thủy phải hợp sức với Thiên Lôi và các thần Mưa, thần Bão mau mau dâng nước cho thật cao làm cho vợ chồng Cường Bạo chìm xuống tận đáy biển, lôi cổ đến để trị tội. Được tin, Táo Quân lại mách cho Cường Bạo hay. Cường Bạo hỏi kế, Táo Quân bảo:
– Vua Thủy và thần Mưa chỉ giỏi về nghề dâng nước đổ nước; thần Bão và thần Gió chẳng qua cũng chỉ thổi bạt đi đó đi đây.
Hãy chuẩn bị làm cho cái bè thật chắc, như thế dù cho nước dâng đến tận đâu, bão thổi bạt đi đến phương nào, cũng không làm gì được. Nhưng nhớ phải chuẩn bị cái ăn và phải đề phòng Thiên Lôi đánh lén.
Cường Bạo một mực tuân lời. Lúc vua Thủy bắt đầu dâng nước thì vợ chồng Cường Bạo đã ngồi trên một bè chuối, trên bè có dựng rạp bằng lá chuối quét sẵn thứ nước trơn hôm nọ. Ngoài ra anh còn cắm mỗi góc một lá cờ và đặt trước chỗ mình ngồi một cái trống, một cái chiêng. Lại có mang theo một con gà.
Chẳng bao lâu, nước dâng lên mênh mông như biển cả, ngập hết làng mạc núi non; mặt khác, bão thổi đùng đùng mỗi lúc mỗi dữ dội. Nhưng trên bè, Cường Bạo đã ung dung phất cờ giong trống chiêng. Lại giục gà trèo lên nóc lều gáy lên từng hồi dõng dạc. Đoạn đứng dậy múa lưỡi búa lấy được của Thiên Lôi và nói:
– Phen này ta quyết lên phá trời một chuyến chơi!
Ngọc Hoàng đang ngồi ở trên thiên đình chợt nghe tiếng chiêng trống vang lừng và tiếng hô hét, bèn phái một thiên thần xuống xem thử là tiếng gì. Thiên thần nghe ngóng lúc lâu rồi về báo là Cường Bạo đang chống cự với các thần, và nhân nước lớn đang đe dọa lên phá cả thiên đình. Ngọc Hoàng thượng đế sợ, bèn phán:
– Thôi, kíp bảo Thủy thần lập tức rút nước ngay đi, và gọi các thần kia lập tức trở về Trời, mặc cho nó muốn làm gì thì làm, để dịp khác sẽ hay.
Nhờ vậy, Cường Bạo lại sống yên ổn với vợ. Anh càng yêu quý Táo Quân và không quên biện rượu thịt, thỉnh thoảng mời Táo Quân chè chén.
Nhưng một hôm, trong khi Cường Bạo đi thăm đồng, anh bỗng thấy từ dưới ruộng đi lên một con cua. Cua dừng lại trước mặt anh giương mắt, giơ cả hai cái càng đòi kẹp. Cường Bạo hề hề nói:
– Thiên Lôi, Hà Bá, ta chẳng sợ thay, thứ mày tí hon có mấy sức mà dám hỗn láo. Nói rồi co chân đạp một cái như trời giáng xuống mình cua; cua chết không kịp ngáp. Nhưng Cường Bạo đâu ngờ rằng cái càng cua có mảnh nhọn chọc vào chân mình, lâu dần da thịt thối loang ra.
Vợ Cường Bạo lo lắng, hết sức tìm thầy chạy thuốc, nhưng không kịp nữa. Chẳng bao lâu Cường Bạo lăn ra chết. Đó là bộ hạ của vua Thủy theo lệnh chủ tìm cách lên trần hại Cường Bạo bằng chước khiêu khích.
Người ta nói do việc Cường Bạo la hét, đánh trống chiêng, cho gà gáy, chống cự các thần và làm cho Ngọc Hoàng phải ra lệnh lui binh, nên từ đấy về sau, Thiên Lôi rất sợ tiếng gà gáy, còn vua Thủy thì lại sợ tiếng chiêng trống, tiếng la hét.
Mỗi lần có sấm sét người ta bắt chước tiếng gà gáy để cho Thiên Lôi không dám bén mảng, hay khi bão lụt người ta thường gióng chiêng trống hay la hét cho Thủy thần phải trốn chạy, hy vọng nhờ thế nước lụt có thể mau rút.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích dạy bé bài học về đạo đức hay trong cuộc sống.
Thi Thi
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/truyen-co-tich-3-cau-chuyen-co-tich-chon-loc-hay-nhat-cho-tre-tieu-hoc-a68327.html