Trước ngày điều chỉnh, giá xăng nhập giảm mạnh
Theo dữ liệu của Bộ Công thương, ngày 19-8, giá xăng A95 nhập từ Singapore tiếp tục lao dốc xuống còn 108 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 10-2, khi đó giá xăng trong nước là 24.360 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng xuống mốc 21.000 đồng một lít.
Trong nhiều ngày qua, giá xăng nhập liên tiếp giảm nhờ vào giá dầu thô toàn cầu duy trì mức giảm ổn định dưới 100 USD/thùng.
Như vậy, ngày 21/8 tới, giá xăng trong nước có dư địa để giảm, thậm chí giảm mạnh nếu không trích lập quỹ bình ổn giá.
Tôm sú “khổng lồ” giá tiền triệu vẫn đắt hàng
Tôm sú là loại hải sản khá phổ biến và được nhiều người yêu thích bởi lớp thịt săn chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon. Thông thường, tôm sú được bày bán trên thị trường có size từ 20-40 con có giá dao động từ 220-350 nghìn đồng/kg tuỳ loại.
Vài ngày gần đây, các tín đồ “hải sản” xôn xao trước hình ảnh con tôm sú biển tự nhiên màu đỏ au, to hơn cả tôm hùm vẫn đang bơi tung tăng. Con tôm sú khổng lồ này có trọng lượng 290g và đánh bắt được ở vùng biển Hải Hậu (Nam Định), sau đó vận chuyển sống xuống Hà Nội. Ngay lập tức, đã có người chi số tiền 550 nghìn đồng để mua con tôm này về thưởng thức.
Tuỳ con nước mà số lượng tôm sú size to nhập về được nhiều hay ít, giá cả cũng lên xuống theo. Tôm sú loại 7 con/kg có giá 590 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, tôm sú loại 15 con/kg được bán với giá 370 nghìn đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg có giá 330 nghìn đồng/kg; tôm sú loại 25 con/kg có giá 295 nghìn đồng/kg.
Đây là loại tôm khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên, có tên là tôm sú cụ, tôm sú mẹ hoặc tôm sú nữ hoàng. Tôm sú cụ thường sống ở vùng biển nước sâu nên kích thước có thể lên tới 0,5kg/con.
Do tôm sống ở môi trường thiên nhiên lâu năm nên thịt rất săn chắc và có vị ngọt thuần khiết. Đặc biệt, không có chất tăng trưởng như các loại tôm thương phẩm khác.
Tuy nhiên, người tiêu dùng khi bỏ cả triệu đồng để mua 1kg tôm sú thì phải quan sát kỹ lưỡng trước khi mua. Khi thấy con tôm nào có những đốt vỏ căng cứng, nứt đầu hoặc đổi màu thâm đen ở đầu tôm thì không nên mua vì chúng không còn tươi, sẽ bị giảm độ ngọt, thơm.
Giá cao, dân thắt chặt chi tiêu, bánh trung thu ế ẩm
Trên các tuyến phố lớn ở Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Văn Cao…,nhiều gian hàng của các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison, Bảo Ngọc, Thu Hương… đã bắt đầu mở bán từ tháng 7.
Tuy nhiên, sức mua tại các cửa hàng trên khá thấp. Dù trưng bày rất nhiều sản phẩm nhưng quan sát cho thấy, rất ít khách đến hỏi mua.
Anh Tuấn, nhân viên một cửa hàng bánh trung thu thương hiệu Thu Hương trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết, năm nay, lượng khách hàng có tăng nhiều hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn chưa bằng 50% lượng khách thời điểm trước dịch.
Bánh trung thu handmade được ưa chuộng hơn.
Đại diện Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, năm nay giá trứng vịt muối tăng khoảng 800-1.000 đồng/quả (tương đương 20%) so với năm trước.
Đồng thời, các loại nguyên liệu khác như bột mì, thịt gà, thịt lợn, lạp xưởng…cũng đều tăng giá nên khiến giá thành phẩm bánh trung thu tăng cao hơn.
Giá bánh tăng cao khiến người mua đắn đo, các đại lý bày tỏ: Năm nay bán hàng rất hồi hộp, áp lực vì sợ ế, bởi người dân thắt chặt chi tiêu do mặt hàng gì cũng tăng giá...
Ngay cả các thương hiệu bánh trung thu truyền thống như Bảo Phương cũng không còn cảnh xếp hàng dài như nhưng năm trước dịch.
Hai địa phương có doanh thu từ du lịch “khủng” nhất trong 7 tháng đầu năm
7 tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam “bùng nổ” với tổng khách du lịch nội địa trên cả nước đạt 71,8 triệu lượt người, khách quốc tế đạt 954.600 lượt. Những con số này đã mang đến cho nhiều tỉnh thành trên cả nước nguồn thu khủng, trong đó có hai thành phố có số thu du lịch đạt đến con số tỷ USD là TP.HCM và Hà Nội.
Cụ thể, ngành du lịch TP. HCM phục hồi rõ nét sau Covid-19, 7 tháng đầu năm tổng doanh thu ước đạt 60,38 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,58 tỷ USD), tăng 57,82% so với cùng kỳ; trong đó, khách du lịch nội địa vẫn là nguồn thu chính với 13,3 triệu lượt.
Dòng người chen chân mua sắm tại chợ đêm Nha Trang.
Cùng với đó, Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội cũng đạt 31,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,36 tỷ USD), tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,9 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 10,2 triệu lượt khách.
Ngoài ra, còn có nhiều địa phương có số thu du lịch lớn khác như: Thanh Hoá, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An, Lào Cai, Khánh Hoà, Kiên Giang, Bình Thuận.
Các đơn vị tăng cường vé phục vụ đi lại dịp lễ Quốc khánh 2/9
Sáng 19/8, khảo sát trên trang bán vé trực tuyến các hãng hàng không nội địa cho thấy, giá vé đi lại những ngày cao điểm dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay (ngày 1/9 và ngày 4/9) chỉ dao động trong khoảng từ 1,5-2 triệu đồng trở lên (tuỳ theo chặng và giờ bay). Đặc biệt, còn rất nhiều chuyến bay có vé với nhiều khung giá để khách lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dịp Quốc khánh 2/9, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tăng cường thêm nhiều chuyến bay trong các ngày từ 1-4/9, với tổng số 400.000 chỗ trên các đường bay nội địa (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019). Hãng này sẽ ưu tiên khai thác tần suất cao trên các đường bay du lịch kết nối Hà Nội và TPHCM với Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt….
Tương tự, dịp này đường sắt cũng chạy tăng cường thêm nhiều đôi tàu, ngoài tàu Thống nhất Bắc – Nam và các tàu thường xuyên, đường sắt còn chạy thêm tàu trên các chặng ngắn có nhu cầu cao.
Phía Bắc, sẽ tăng cường thêm các tàu chặng Hà Nội với Vinh, Đồng Hới (Quảng Bình), Hải Phòng, Lào Cai. Phía Nam chạy tăng cường thêm tàu các chặng TPHCM với Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
Xuyến Chi
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nong-tuan-qua-gia-xang-dau-se-tiep-tuc-giam-hay-tang-a68298.html