Trên thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,06%, đạt 87,62 USD/thùng vào lúc 6h07 ngày 18/8 theo giờ Việt Nam. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 0,77%, đạt 93,05 USD/thùng.
Như vậy, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu thô đã bật tăng trở lại.
Trong dự báo tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC dự kiến nhu cầu xăng dầu sẽ giảm so với dự báo ban đầu trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tin tưởng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2023 với gần 103 triệu thùng mỗi ngày.
Trong một diễn biến khác, nguồn cung đang tăng dần lên do sản xuất được mở rộng ở Guyana, Brazil, Mỹ, ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, dù không nhiều như Mỹ kỳ vọng. OPEC và các đối tác, bao gồm Nga đã hứa sẽ tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 18/8 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92 không cao hơn 23.725 đồng/lít
Xăng RON 95 không cao hơn 24.669 đồng/lít.
Dầu diesel không cao hơn 22.908 đồng/lít.
Dầu hỏa không cao hơn 23.320 đồng/lít
Dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Ở Việt Nam, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, giá xăng nhập hiện giảm còn 111 USD/thùng, tương đương mức giá ngày 16-2. Giá xăng trong nước khi đó là 25.320 đồng/lít. Nếu không tính thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng còn khoảng 22.000 đồng/lít.
Góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi), Bộ Công thương kiến nghị bỏ mặt hàng xăng dầu khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và chỉ để mặt hàng này vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá nếu bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết sẽ không đưa xăng dầu vào danh mục do bỏ quỹ ở Luật. Với riêng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì tiếp tục thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Thu Trang