Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai đủ ngày là 40 tuần tuổi (tính đến ngày dự sinh). Tuy nhiên thai từ 38 tuần là đã trưởng thành và có thể nuôi sống dễ dàng bên ngoài tử cung mẹ. Vì vậy, trẻ được sinh ra từ 39 - 41 tuần sẽ có ít biến chứng nhất. Trẻ sinh non thường nhẹ cân, yếu ớt, đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Ngược lại, thai quá ngày cũng tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm cho mẹ và em bé. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một lời cảnh báo.
Chị Xiao Hua (25 tuổi, sống tại Nhữ Châu, Hà Nam, Trung Quốc) kết hôn cách đây 2 năm nhưng cuối năm ngoái mới phát hiện mang bầu. Bình thường vợ chồng Xiao Hua đều làm công nhân tại một nhà máy hóa chất ở thành phố. Tuy nhiên vì lo sợ công việc ảnh hưởng đến thai nhi nên sau khi có bầu, Xiao Hua quyết định nghỉ việc, về quê sống cùng mẹ chồng và phụ bà công việc trồng trọt, chăn nuôi.
Tuy một mình sống với mẹ chồng, chồng đi làm cách hơn 300km và vài tháng mới về 1 lần nhưng Xiao Hua cảm thấy khá thoải mái vì mẹ chồng tính tình thoải mái, dễ tính. Không chỉ vậy bà còn chăm sóc cho Xiao Hua rất tốt, thường xuyên mua đồ bổ dưỡng cho cô ăn, không để cô làm những việc nặng nhọc.
Chỉ có một điều bất tiện với Xiao Hua là phòng khám thai gần nhà nhất cũng cách tới 30km, còn bệnh viện sinh nở thì cách tới gần 60km. Mỗi lần đi khám, Xiao Hua phải ngồi xe bus gần 1 tiếng. Cũng vì vậy mà trong những tháng đầu, cô đi khám thai thường xuyên. Nhưng khi thấy sức khỏe ổn định, cô lười không muốn đi khám nữa.
Thấm thoắt đã gần đến nhà dự sinh, Xiao Hua vô cùng hồi hộp nhưng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì. Khi quá ngày dự sinh đã 1 tuần, mẹ chồng có giục cô đi kiểm tra nhưng Xiao Hua nói rằng muốn đợi đến cuối tuần, tức là 4 ngày nữa, chồng về rồi chở đi bằng xe máy, chứ đi xe bus làm cô mệt mỏi, say xe. Cô cũng chưa thấy đau bụng hay vỡ ối nên vẫn yên tâm ở nhà chờ đợi.
Ai ngờ đâu đến ngày chồng về và đưa đến bệnh viện kiểm tra, vừa nghe thai quá ngày dự sinh hơn 1 tuần là bác sĩ đã lập tức nhăn mặt và đưa vào khám luôn. Khi đo tim thai, bác sĩ thấy tim thai chậm nhịp, thai ít cử động nên đề nghị mổ gấp.
Khi mổ, bác sĩ phát hiện nước ối của cô đã nhiễm phân su, em bé hít phải và gặp vấn đề về hô hấp. (Ảnh minh họa).
Em bé được đưa ra ngoài nhưng lại bị yếu do thiếu oxy, nước ối đục, làm xộc lên một mùi chua rất khó chịu khắp cả phòng. Cơ thể bé lại bị tím tái, phổi có nguy cơ nhiễm trùng và phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh. Bác sĩ liên tục nói với sản phụ tại sao lại không đi thăm khám định kỳ đều đặn, đặc biệt là những tháng cuối. Hơn nữa, quá ngày dự sinh lại càng phải đi khám nhiều hơn vì rủi ro sẽ tăng cao. Lần này may mắn còn cứu được em bé, đây cũng là phước đức cho cả gia đình.
Vợ chồng Xiao Hua khi ấy mới hối hận, đặc biệt là sản phụ sau sinh khóc không ngừng do mình đã quá thiếu hiểu biết.
Thai quá ngày nguy hiểm thế nào?
Quan niệm để thai càng lâu trong bụng càng tốt là hoàn toàn sai lầm. Nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như sau:
Nếu bánh nhau vẫn hoạt động tốt, thai nhi tiếp tục phát triển lớn thêm, khi sinh có khả năng đẻ khó do con to (kẹt vai, sang chấn nhiều cho cả mẹ lẫn con hoặc không sanh được phải mổ lấy thai…). Thêm vào đó lượng nước ối có thể cạn dần, không gian hoạt động của em bé hẹp lại. Khi sinh em bé dễ bị suy hô hấp do cơn gò tử cung làm chèn ép dây rốn.
Ngược lại, nếu bánh nhau bị thoái hoá, thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc trong khi sanh; hoặc em bé sẽ bị suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo và sức đề kháng kém.
Ngoài ra, thai quá ngày còn có thể xảy ra hiện tượng thai nhi thải phân su ra nước ối, chính em bé hít phải dễ dẫn đến ngạt. Nước ối đục cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung của người mẹ.
Minh An
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/me-bau-qua-ngay-du-sinh-van-co-cho-chong-ve-luc-vao-mo-ca-phong-sinh-nong-mui-kho-chiu-a68239.html