Giáo dục con cái giống như một chặng đường dài, hầu hết bố mẹ đều mong muốn con phát triển lành mạnh tích cực. Thực tế, thái độ, cách diễn đạt và ngôn ngữ của bố mẹ sẽ truyền tải những kỳ vọng tiềm ẩn đến trẻ, khơi dậy sự nhiệt tình, biến kỳ vọng thành hiện thực.
Trước những thất bại, sự khuyến khích của bố mẹ có thể khiến trẻ không còn sợ hãi, thậm chí trở nên can đảm hơn. Người mẹ thường xuyên nói những câu dưới đây có thể tạo động lực giúp trẻ hình thành tính cách tốt và phát triển lành mạnh, dễ đạt được thành tích cao trong học tập và cuộc sống.
"Con làm tốt lắm, hãy tiếp tục phát huy tốt như vậy nhé" - Khuyến khích trẻ làm điều tích cực
Để dạy con khi trưởng thành là một người tốt, việc khuyến khích những hành vi tích cực ngay từ khi con còn nhỏ là điều rất cần thiết. Trẻ lớn lên với suy nghĩ lạc quan tích cực sẽ luôn sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, và tất nhiên, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.
Trẻ nhỏ thường học hỏi mọi thứ từ môi trường xung quanh. Do đó, môi trường lành mạnh là một yếu tố cần thiết trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Bố mẹ cần chú ý không nên than phiền hay hứa hẹn mà hãy là tấm gương tốt trước mặt con. Ngoài ra, hãy tạo không khí hòa thuận, vui vẻ trong nhà để con noi theo.
Bố mẹ nên lắng nghe con và không nên cắt lời khi con nói, điều này sẽ giúp cảm thấy bố mẹ đang quan tâm và tôn trọng con.
Đồng thời, bản tính trẻ em háo hức được người lớn công nhận, sự quan tâm và lời khen đúng lúc của bố mẹ có thể thúc đẩy con trở nên năng động và học tập chăm chỉ hơn.
"Nếu con làm bài tập về nhà trước, con sẽ chơi thoải mái hơn" - Khuyến khích trẻ tập trung học tập
Đứa trẻ nào cũng thích các hoạt động giải trí hay đi chơi với bạn bè, vì vậy trẻ chưa tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Lúc này nếu bố mẹ đặt quá nhiều áp lực về việc học tốt lên vai các con, điều này rất dễ khiến trẻ cảm thấy áp lực kèm theo nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu khác.
Có vô số phương thức hiệu quả giúp khuyến khích trẻ học tập tốt hơn, cụ thể một lời động viên đúng lúc sẽ như cơn mưa xuân tưới mát tâm hồn.
Bố mẹ hãy giữ mối quan hệ của mình với con trẻ một cách thật cởi mở, tôn trọng và tích cực. Bên cạnh đó, hãy luôn nhớ bản thân cùng con trẻ luôn cùng một đội và luôn hỗ trợ nhau. Hãy để trẻ có một không gian yên tĩnh và tập trung tuyệt đối vào việc học
Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tập chung vào việc học tốt hơn bằng cách chia các bài học, việc nhà thành các phần nhỏ một cách hợp lý để trẻ có thể hoàn thành đầy đủ các việc thông qua các hoạt động cụ thể như đánh dấu các công việc trên lịch, bảng trắng… Khi công việc được sắp xếp hợp lý trẻ không còn bị hỗn loạn nữa và có thể từ từ hoàn thành các công việc.
"Nếu con hòa nhập vào nhóm, con sẽ có nhiều bạn mới hơn" - Hướng dẫn trẻ tạo mối quan hệ thân thiết với bạn bè
Mối quan hệ xã hội là mối quan hệ giữa người với người được hình thành qua một khoảng thời gian nhất định. Do đó, ngay từ nhỏ bố mẹ nên dạy trẻ cách để làm sao mở rộng mối quan hệ xã hội tốt vì nó là một kỹ năng cần thiết cho các con sau này.
Trong giao tiếp với tất cả mọi người xung quanh, hãy dạy trẻ mạnh dạn kết thêm bạn mới, trò chuyện một cách chân thành nhất, không đặt lợi ích của bản thân lên đầu vì điều đó sẽ khiến cho con khó giao tiếp được với mọi người.
Để có thêm nhiều bạn bè, tiếp cận hơn được với nhiều người hơn nữa cha mẹ cần phải động viên khích lệ các con nên tham gia vào các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa để các con có cơ hội để tiếp xúc với nhiều bạn mới. Điều này có thể tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của trẻ và con đường đến thành công trong tương lai.
"Một đứa trẻ lễ phép luôn biết nói cảm ơn với người khác" - Phát triển nhân cách tốt ở trẻ
Việc giáo dục nhân cách cho trẻ không chỉ có thể thực hiện được thông qua các bài học đạo đức của nhà trường, vai trò làm gương của bố mẹ còn lớn hơn nhiều. Cùng con rèn luyện lời nói và việc làm, giám sát và động viên nhau là cách giáo dục đạo đức tốt nhất.
Đồng thời, xây dựng, giáo dục tính cách cho trẻ trong những giai đoạn đầu đời có ý nghĩa quan trọng, giúp hình thành nền tảng đạo đức sau này. Các chuyên gia giáo dục của Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, nhân cách ảnh hưởng đến thành công trong sự nghiệp, quyết định tổng thể thái độ, hành vi trong cuộc sống.
Nhân cách bao gồm sự kết hợp của nhiều đặc điểm: Suy nghĩ, thái độ, hành vi, khả năng giao tiếp, trách nhiệm, trung thực, trí tuệ... của trẻ
Thông thường, trẻ học sự quan tâm, tôn trọng khi trẻ được đối xử theo cách đó. Do đó, bố mẹ nên yêu thương con cái, quan tâm đến nhu cầu thể chất, tình cảm bé, xây dựng môi trường gia đình ổn định, tôn trọng sở thích, quyết định của trẻ.
Thi Thi
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/dua-tre-hoc-gioi-lon-len-kiem-tien-gioi-deu-duoc-nghe-me-noi-4-cau-than-chu-moi-ngay-a68233.html