Tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định: “Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.”
Công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn
Tại điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Theo bà Đào Hồng Lan, hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần trở lại bình thường. Bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan trong nước.
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước, như: cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn cơ bản được kiểm soát với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện trong thời gian qua…
Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân,… là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các virus gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong".
Việt Nam đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn những biến thể trước, và mới nhất là biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.”
Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế sẵn sàng lắng nghe và tham mưu tháo gỡ khó khăn về chính sách cho các địa phương nhưng bên cạnh đó, địa phương cũng cần chủ động thực hiện trên cơ sở hệ thống các văn bản pháp lý hiện hành. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính mạng và sức khỏe của người dân.
Kết quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu
Tại hội nghị, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, tính đến ngày 1/8/2022, tổng số mũi tiêm trên toàn quốc là hơn 246,1 triệu mũi. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi còn thấp, một số tỉnh mũi 2 chỉ đạt dưới 20%.
Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguyên nhân dẫn đến tốc độ tiêm chủng chậm hiện nay là hoạt động sản xuất, làm việc trở lại bình thường, việc tổ chức tiêm chủng trong thời gian làm việc gặp khó khăn. Tỷ lệ di biến động dân cư lớn sau đợt dịch tại nhiều địa phương cũng ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Người dân còn chủ quan trong bối cảnh dịch được khống chế, nhiều người đã mắc Covid-19 nên không đồng ý hoặc lưỡng lự tiêm các mũi vaccine tiếp theo. Nhiều cha mẹ không đồng ý cho con tiêm nhắc lại do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe của trẻ 5-11 tuổi.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thẳng thắn chỉ rõ tốc độ tiêm vacine COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân.
Vậy nên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương cần tăng cường và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng COVID-19, nhất là đối với lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi nhắc lại lần 1 với lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Để đạt được mục tiêu hoàn thành tiêm vắc xin cho lứa tuổi này trong tháng 8, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành cần tiếp tục rà soát, truyền thông liên tục về lợi ích và sự an toàn của vắc xin Covid-19.
Ngành Y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp để bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, các y bác sỹ, nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Hoàng Hà
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nguy-co-dich-chong-dich-la-hien-huu-a68072.html