Cần cho dự án bất động sản tốt vay để thêm nguồn cung

Ủng hộ việc kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, song Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cần tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, dự án tốt.

Hạn chế rủi ro nhưng phải tạo cơ hội để bất động sản phát triển

Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình phát triển thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường BĐS thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển…

null
Cần tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, dự án tốt. (Ảnh minh họa).

Về hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thị trường BĐS, Bộ trưởng cho rằng, về cơ bản được hoàn thiện. Giai đoạn năm 2021, quý I năm nay dù có nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh nhưng đã dần thích ứng và từng bước có dấu hiệu phục hồi.

1n-1654736099.jpg
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Tổng lượng giao dịch BĐS cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ hấp thụ ở mức cao, không phát sinh lượng tồn đọng mới, tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại giảm dần...

Mặt khác, Bộ trưởng thừa nhận, thị trường vừa qua cũng đã bộc lộ những bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường này vẫn còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất như là hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, xác định giá đất, quy định với loại hình BĐS mới, quy trình thủ tục triển khai thực hiện dự án…

Thứ hai, theo Bộ trưởng, là khó khăn về nguồn cung BĐS. Việc triển khai thực hiện các dự án BĐS còn khó khăn ở hầu hết địa phương. Nguồn cung BĐS sụt giảm ở các phân khúc, số lượng dự án mới còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở thương mại, công nhân, nhà ở xã hội, phân khúc thu nhập thấp, trung bình…

Với nhà thương mại, Bộ trưởng cho biết năm 2021, tổng số dự án hoàn thành là172 dự án, chỉ bằng 60% so với năm 2020. Trong quý I năm nay, dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 42 dự án, chỉ bằng 47% so với quý IV năm ngoái.

Về nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) nhà thu nhập thấp, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án NOXH nhưng tốc độ triển khai rất chậm, theo tư lệnh ngành xây dựng. Đáng chú ý, các dự án này rất chậm, mới chỉ khởi động lại gần đây khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Thứ ba, Bộ trưởng nhận xét cơ cấu BĐS chưa phù hợp, phổ biến là trung và cao cấp, BĐS du lịch, trong khi đó thiếu gay gắt NƠXH, nhà ở cho thu nhập thấp, trung bình.

"Thứ tư, giá BĐS, đặc biệt là đất ở, nhà ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập người dân, làm cho những người thu nhập thấp, công nhân càng khó khăn hơn tiếp cận nhà ở", Bộ trưởng nói.

Thứ năm, các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới BĐS chưa được kiểm soát chưa tốt.

Thứ sáu, Bộ trưởng cho biết, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất, thị trường BĐS ở một số địa phương còn tồn tại bất cập. Một số địa phương có tình trạng phân lô bán nền không đúng, không phù hợp quy hoạch thiếu hạ tầng nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Công tác thông tin, minh bạch quy hoạch chưa kịp thời.

Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn vào đầu tư BĐS chưa chặt chẽ, đặc biệt trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Vẫn còn phản ánh của doanh nghiệp trong việc khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, chính sách thuế đối với sử dụng, kinh doanh doanh BĐS chưa có sự phân biệt đầu tư, sử dụng, mua đi bán lại dẫn đến đầu cơ, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch, gây thất thu ngân sách.

Thêm nữa, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực trạng hoạt động còn thiếu công khai minh bạch do thiếu thông tin, tung tin nhiễu loạn thị trường.

"Siết" tín dụng có thể dẫn đến hệ lụy với thị trường BĐS

Tại phiên chất vấn đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề về việc siết tín dụng thị trường BĐS.

Theo ông Vân, thị trường BĐS có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với BĐS có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường sẽ đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.

"Trong khi đó thì mục đích quản lý của Nhà nước đó là chống đầu cơ, chống bong bóng BĐS và trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thì Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh", ông Vân đề nghị.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường BĐS bao gồm rất nhiều chủ thể và cũng thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư khác và tín dụng là một kênh tham gia đầu tư về thị trường BĐS.

2n-1654736105.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: MH).

"Trong rất nhiều năm trở lại đây thì Ngân hàng Nhà nước đều có một chủ trương là đối với vốn tín dụng thì mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với lĩnh vực BĐS, rủi ro là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng", bà Hồng nói.

Bà Hồng nhấn mạnh, một rủi ro vô cùng quan trọng đó là rủi ro về thanh khoản, bởi vì bản chất của tín dụng BĐS thường giá trị lớn và kỳ hạn dài, trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, có thể có những thời điểm khách hàng đến rút tiền thì lại chưa đòi được những khoản nợ dài hạn.

Chính vì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro như vậy. Còn việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS thì do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định nhưng trên cơ sở phải đảm bảo được an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng của mình và theo đó là của cả hệ thống.

Với BĐS, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là tài sản lớn, kỳ hạn dài, nên tiềm ẩn rủi ro về chi trả, chênh lệch kỳ hạn. Vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn trong khi vốn cho vay BĐS là dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định kiểm soát, như cho vay kinh doanh bất động sản phải có hệ số điều chỉnh rủi ro 200%. Còn các khoản có thế chấp bằng tài sản là BĐS giao động từ 30-150%. Tùy theo nhận diện rủi ro mà tổ chức tín dụng tự quyết định.

Bùi Hằng

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/can-cho-du-an-bat-dong-san-tot-vay-de-them-nguon-cung-a67872.html