Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi tham gia đầu tư vào BĐS Nhật Nam

“Mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, gần đây lại xuất hiện núp bóng dưới nhiều dạng kinh doanh, song thực chất chỉ là bình mới rượu cũ”.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản. Điều này nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng. Thực tế, thời gian qua, thị trường địa ốc đã tăng nóng khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

Để giải quyết bài toán tài chính, nhiều công ty đã tìm cách huy động vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" với lãi suất còn cao hơn cả ngân hàng, thậm chí gấp 4 - 5 lần. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này vẫn tiềm ẩn không ít những rủi ro cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Mời càng nhiều người lợi nhuận càng cao

Ngày 12/5, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) đã tổ chức sự kiện công bố trúng thầu dự án Lục Ngạn - Bắc Giang và khai trương văn phòng tại Hà Nội. Sự kiện này đã thu hút gần 3.000 người tham dự.

Công ty BĐS Nhật Nam được giới thiệu là công ty đa ngành nghề, nhưng trọng tâm là phát triển bất động sản. Thời gian gần đây, công ty này liên tục tung ra các gói đầu tư với lãi suất "khủng", lên tới 168%/chu kỳ, 7%/tháng. Thậm chí, với những gói đầu tư có giá trị cao (trên 7 tỷ đồng), nhà đầu tư còn được công ty này tặng thêm cả bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức lãi suất thực mà nhà đầu tư có thể nhận là 68%/chu kỳ, 34%/năm. Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ bị nhầm lẫn với mức lãi suất mà Công ty BĐS Nhật Nam đưa ra để kêu gọi nhà đầu tư. Mặt khác, với mức lãi suất lên tới 34%/năm, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về những rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi tham gia đầu tư vào BĐS Nhật Nam - Ảnh 1Sự kiện ngày 12/5 của Công ty BĐS Nhật Nam.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, chị N.B.N (37 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) - một nhà đầu tư tham gia sự kiện của Công ty BĐS Nhật Nam ngày 12/5 cho biết, chị đã đầu tư 150 triệu vào công ty này. Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2021 đến đầu 2022, công ty đã không trả lãi đầy đủ cho chị N., điều này khiến chị rất bức xúc.

Khi được hỏi, trong trường hợp công ty dừng hoạt động thì lấy gì để đảm bảo số vốn mà nhà đầu tư bỏ ra được hoàn lại, chị N. hoàn toàn không biết. "Công ty này có quan hệ rộng lắm, làm các dự án hàng nghìn tỷ, làm sao mà "chết" được", chị N. bày tỏ?!.

Cũng theo chị N., khi mà nhà đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam mà mời gọi được người thân, bạn bè cùng tham gia đầu tư sẽ được chia lợi nhuận. Người giới thiệu sẽ nhận ngay 5 triệu nếu khách hàng ký với công ty gói đầu tư 100 triệu.

"Kêu gọi được càng nhiều người đầu tư thì càng nhanh thăng tiến, lợi nhuận nhận được cũng tăng theo. Người nào mà ký được nhiều hợp đồng, mang về nhiều tiền còn có thể nhận lợi nhuận kéo dài liên tục chứ không phải nhận 5 - 10 triệu như những gói đầu tư nhỏ", chị N. chia sẻ thêm.

Chuyên gia cảnh báo

Câu chuyện của chị N. khiến nhiều người liên tưởng đến mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng (Ponzi) đã từng bùng nổ ở Việt Nam cách đây mấy năm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cảnh báo, người dân, người có vốn được kêu gọi đầu tư phải tự xác định, không có loại hình đầu tư nào mà có lãi cao như vậy. Tất cả những hoạt động huy động vốn không có bất kỳ cam kết nào, rất mù mờ, vậy tại sao lại dám lao vào? Nếu thấy "mật ngọt" và lao vào thì vô cùng nguy hiểm.

Mô hình kinh doanh như vậy rất rủi ro. Trong điều kiện hiện nay, khi mà internet phát triển mạnh và đa dạng, các loại kinh doanh biến tướng núp bóng "kinh doanh 4.0", lợi dụng sự phát triển kinh tế số để lừa đảo các nhà đầu tư thông qua hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn. Vậy nên người dân cần vô cùng cẩn trọng khi tham gia những mô hình kinh doanh này.

"Các hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng thường vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng, sử dụng tên rất kêu, thậm chí còn vẽ vào đó những quỹ đầu tư của nước ngoài để lôi kéo nhà đầu tư. Mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, gần đây lại xuất hiện núp bóng dưới nhiều dạng kinh doanh, song thực chất chỉ là bình mới rượu cũ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi tham gia đầu tư vào BĐS Nhật Nam - Ảnh 2Một trong những gói đầu tư lãi suất "khủng" của Công ty BĐS Nhật Nam.

Theo Luật sư Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành hãng luật Inteco, hiện nay nở rộ nhiều hoạt động huy động vốn với danh nghĩa để đầu tư vào các dự án bất động sản, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia.

"Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, các hoạt động huy động vốn như vậy rất ảo và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Đã xuất hiện những trường hợp lừa đảm để chiếm dụng vốn hoặc chiếm đoạt tài sản", ông Phong cảnh báo.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi tham gia đầu tư vào BĐS Nhật Nam - Ảnh 3 Luật sư Hà Huy Phong. 

Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ việc "Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết" là hành vi bị cấm. Đối với dự án nhà ở thương mại, điều kiện huy động vốn được quy định khá chặt chẽ tại Điều 69, Nghị định 99/2015.

Đối với hoạt động ủy thác đầu tư, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chỉ một số tổ chức được cấp phép mới được phép thực hiện. Doanh nghiệp thông thường nhận ủy thác đầu tư sẽ bị coi là trái phép.

"Trên phương diện pháp lý, hầu hết các hoạt động huy động vốn như báo chí đề cập thời gian vừa qua đều không đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Rủi ro với nhà đầu tư không chỉ là rủi ro về mặt pháp lý, mà còn rủi ro về nguy cơ bị lừa đảm chiếm đoạt tài sản. Có một số rất ít nhà đầu tư tham gia ở giai đoạn mồi nhử có thể thu hồi tiền đầu tư và tiền lãi như cam kết, nhưng hầu hết các nhà đầu tư ở giai đoạn sau sẽ bị mất trắng.

Kinh doanh thì phải chấp nhận có rủi ro, và ở đâu có rủi ro thì ở đấy có lợi nhuận, nhưng rủi ro đó phải là rủi ro có tính thương mại, chứ không phải là rủi ro từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Những mức lợi nhuận khủng chỉ có thể tồn tại ở các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, mà ít khi tồn tại ở các dự án nghiêm túc. Do đó, nhà đầu tư nên cảnh giác cao độ, và chủ động tránh xa các hoạt động huy động vốn có tính bầy đàn", Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh.

Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên đã liên hệ với đại diện Công ty BĐS Nhật Nam để đặt lịch làm việc. Đại diện của doanh nghiệp này yêu cầu nhắn tin nội dung làm việc để sắp xếp. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, đến thời điểm hiện tại, Phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ công ty này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về Công ty BĐS Nhật Nam trong kỳ tới!

Ngọc Thiện

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/chuyen-gia-canh-bao-rui-ro-khi-tham-gia-dau-tu-vao-bds-nhat-nam-a67673.html