Đất quê đấu giá cao chót vót, có nơi giá lên gấp 10 lần

Thời gian gần đây, một số phiên đấu giá đất tại các vùng quê có mức trúng đấu giá tăng cao gấp 5, 10 lần so với giá khởi điểm. Trong khi giá đất ở nông thôn nhiều nơi ở Bắc Ninh chỉ vài triệu đồng/m2 thì đất đấu giá lên đến 30 triệu đồng/m2.

Đấu giá đất quê lên tới 30 triệu đồng/m2

Thông tin từ Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, thị trường bất động sản tỉnh này trong những năm qua có những biến động lớn.

Giá đất so với mặt bằng của cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng có sự chênh lệch về địa giới hành chính và vị trí đất được chuyển nhượng. Tại khu vực đô thị, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thực tế dao động từ 10 triệu đồng/m2 đối với các khu vực trong ngõ hẻm đến 200 triệu đồng/m2 đối với mặt các tuyến đường kinh doanh sầm uất như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cao, Nguyễn Gia Thiều (TP Bắc Ninh), Trần Phú (Từ Sơn)...

Đất quê đấu giá cao chót vót, có nơi giá lên gấp 10 lần - Ảnh 1 Ảnh minh họa.

Với giá đất ở nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị, nhiều nơi chỉ vài triệu đồng/m2, tuy nhiên, tại một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua ghi nhận giá đất ở lên đến 30 triệu đồng/m2.

Tìm hiểu nhiều nguồn tin cho thấy, trong 2 năm qua, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản tại Bắc Ninh vẫn sôi động. Trong đó, giá đất nền tại Bắc Ninh đã tăng cao so với đầu năm 2020, có nơi tăng gấp 2-3 lần.

Sự kiện "thăng hạng" từ thị xã lên thành phố tháng 11/2021 đã khiến giá bất động sản Từ Sơn tăng nhanh. Giá đất nền ở TP mới này đang dao động từ 28-90 triệu đồng/m2.

Trong 2 năm qua, bất chấp dịch bệnh, thị trường bất động sản tại Bắc Ninh vẫn tăng “nóng”. Theo báo cáo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý IV/2021, số lượng giao dịch tại tỉnh này khá lớn với con số xấp xỉ 2.000 giao dịch. Cùng với tốc độ giao dịch tốt là mức tăng giá gần 100% so với năm 2020.

2 tháng đầu năm 2022 này, theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tại thị trường này đã tăng cao so với năm 2021.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ông Nguyễn Văn Đính, đợt vừa rồi, thị trường bất động sản ở Bắc Ninh "tăng nóng" nhưng cũng phản ánh tính chất của tỉnh Bắc Ninh là có công nghiệp phát triển, đứng đầu về thu hút FDI, hạ tầng đồng bộ và thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư cần phải dè chừng, cẩn thận với thị trường tỉnh này vì có một phần cục bộ, một số dự án đang có tính ảo, tính "bong bóng". Tuy nhiên, về cơ bản, toàn cục thị trường Bắc Ninh vẫn có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư.

Theo quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh được định hướng trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận – trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh – thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc, tạo thành hành lang kinh tế Lạng Sơn – Bắc Ninh – Hà Nội.

Lô đất hơn 300 triệu đấu giá lên gấp 10 lần

Một số phiên đấu giá đất tại các vùng quê thời gian gần đây có mức trúng đấu giá tăng cao gấp 5, 10 lần so với giá khởi điểm. Cá biệt, một lô đất có diện tích 209 m2 với giá khởi điểm 301 triệu đồng được đấu giá lên mức 3,2 tỷ đồng.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai và đơn vị thực hiện đấu giá là doanh nghiệp đấu giá tư nhân Đại Phát trong hai ngày 25-26/3 tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuộc Khu quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng, cách trung tâm TP Pleiku 10 km.

Đất quê đấu giá cao chót vót, có nơi giá lên gấp 10 lần - Ảnh 2

Thông tin cho biết, khu quy hoạch này có 104 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 21,7 tỷ đồng, tuy nhiên sau đấu giá, con số này đã được đội lên gấp nhiều lần.

Một trong những lô đất có diện tích hơn 130 m2 có giá khởi điểm 175 triệu đồng được đấu lên với giá hơn 1 tỷ đồng. Còn lô đất có diện tích 209 m2 có giá khởi điểm 301 triệu đồng được đấu giá lên mức 3,2 tỷ đồng.

Theo thông tin của một nhà đầu tư trực tiếp tham gia đấu giá, với mức giá tăng cao 5-10 lần so với mức giá khởi điểm thì làm sao dân lao động có thể mua được.

Trước đó, ngày 24/3, Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An vừa tổ chức đấu giá thành công 59 lô đất thuộc khu quy hoạch Ruộng Bông - Trọt Hồ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Khu quy hoạch mới Ruộng Bông - Trọt Hồ, thuộc xã Lưu Sơn có tổng diện tích 10.263,85 m2, trong đó các lô đất có diện tích từ 145,94 m2 đến 204,95 m2. Lô đất có giá khởi điểm thấp nhất là 1,76 tỷ đồng, lô có giá khởi điểm cao nhất là 3,091 tỷ đồng, tương đương từ 8 đến 20 triệu đồng/m2. Người tham gia đấu giá phải đặt cọc 24 -630 triệu đồng, tùy vị trí và diện tích của từng lô đất.

Kết quả, 420 lượt khách hàng tham gia đấu giá. 59 lô đất được đấu giá thành công với số tiền vượt giá khởi điểm là hơn 61%. Lô đất có giá thấp nhất được bán 2,048 tỷ đồng, với diện tích 154 m2.

Lô đất có diện tích 170,5 m2 được đấu giá thành công với số tiền 6,188 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 3,41 tỷ đồng. Các lô còn lại có giá từ 5,5-5,7 tỷ đồng.

Khu quy hoạch Ruộng Bông - Trọt Hồ tiếp giáp phía Tây Nam thị trấn Đô Lương, nằm cạnh quốc lộ 7 mới. Theo quyết định đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, vào năm 2030, thị trấn Đô Lương sẽ được mở rộng địa giới hành chính và nâng cấp thành thị xã.

Chính vì thế, giá đất ở đây và các khu vực lân cận đã lên cơn sốt. Vì vậy, các lô đất đấu giá được trả với mức giá cao như trên cũng dễ hiểu.

Trước những vụ đấu giá đất vùng quê tăng cao, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho hay, ở những vùng quê mà việc giá đất tăng cao bất thường sẽ dấy lên nhiều lo ngại hiện tượng đầu cơ bất động sản thay vì nhu cầu mua ở thực. Đặc biệt, đấu giá đất tăng cao sẽ kéo theo mặt bằng giá đất khu vực đó thiết lập mặt bằng giá mới.

Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhận định, những vụ đấu giá cao bất thường sẽ khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, với một giá ảo. Bên cạnh đó, nó cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà chỉ rõ thực tiễn một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh- quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật dẫn tới nhiều hệ lụy.

"Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bùi Hằng

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/dat-que-dau-gia-cao-chot-vot-co-noi-gia-len-gap-10-lan-a67586.html