Doanh nghiệp thích ứng an toàn theo hướng phát triển xanh, phù hợp nền kinh tế tuần hoàn

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, việc phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới sống chung với COVID, đã buộc mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu mới, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM (HANE) phối hợp Văn phòng đại diện phía Nam - Trung ương Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN, tổ chức Hội thảo "Doanh nghiệp thích ứng an toàn - phục hồi kinh tế sau đại dịch theo hướng phát triển xanh, phù hợp nền...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đình Long, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của VASEAN, nêu rõ: Đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề năng lực y tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh sa sút, đình đốn, doanh nghiệp dừng hoạt động, người lao động mất việc làm khi thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Do đó, ngay sau khi kiểm soát được đại dịch, việc trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới sống chung với COVID, đã buộc mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu mới. 

Chính vì thế, với mục đích lan toả thông điệp này, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Asean (VASEAN) phối hợp Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP. Hồ Chí Minh, tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: "Thích ứng an toàn - phục hồi kinh tế sau đại dịch theo hướng phát triển xanh và phù hợp nền kinh tế tuần hoàn". 

Lễ ký kết hợp tác giữa VASEAN và HANE

Lễ ký kết hợp tác giữa VASEAN và HANE

Trong hội thảo, các diễn giả sẽ tập trung trình bày các vấn đề thích ứng linh hoạt, an toàn bằng những biện pháp cụ thể khi Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực, phục hồi kinh tế sau đại dịch bằng thích ứng an toàn và kinh tế tuần hoàn, ứng dụng các giải pháp công nghiệp 4.0 trong quản lý doanh nghiệp từ quản lý sản xuất đến bán hàng và quản lý tài chính trong doanh nghiệp. 

Ông Trần Đình Long tin tưởng rằng, sau hội thảo này, sự nhận thức của chúng ta, của các nhà quản lý đất nước, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân, được nâng lên một tầm cao mới, trong đó khái niệm nền kinh tế tuần hoàn từng bước ăn sâu vào tiềm thức, buộc chúng ta phải hành động để vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, sản phẩm đạt các tiêu chí xanh theo yêu cầu của khách hàng quốc tế ngày càng nghiêm ngặt.

Tại hội thảo, đại diện HANE và doanh nghiệp thuyết trình đề tài về: Các giải pháp cụ thể biến rác thải thực phẩm thành tài nguyên; đề tài ứng dụng công nghệ hóa lý và sinh học để xử lý nước thải và chất thải trong trai trại chăn nuôi chế biến thành phân bón hữu cơ phục vụ cho kệ sinh thái tuần hoàn và giảm thiểu khí metan, nguyên nhân chính được xác định làm nóng bầu khí quyển trái đất, gây nên hiệu ứng biến đổi khí hậu mà tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần thứ 26 vừa qua đang yêu cầu các nước thực hiện giảm phát thải để bảo vệ môi trường...

Trong Báo cáo chuyên đề Tăng cường năng lực phát triển bền vững thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới (2020) và Chương trình đánh giá chứng nhận Nhãn sinh thái "Rồng Xanh" do ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Chủ tịch HANE, đã nêu rõ thực trạng về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, quản lý nước thải, khí thải, phòng ngừa - ứng phó sự cố còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Từ đó, đưa ra mô hình phát triển kinh tế bền vững, bao gồm các công cụ kinh tế: Thuế, phí bảo vệ môi trường (BVMT); Ký quỹ BVMT; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; Bảo hiểm trách nhiệm; Tín dụng xanh; Trái phiếu xanh; Mua sắm xanh. 

Ông Đạt cũng nêu những hoạt động môi trường thích ứng với nền kinh tế tuần hoàn, đó là: Gần đây ở Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn và đang được thực nghiệm, đem lại những hiệu quả ban đầu, như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang; thử nghiệm con đường bằng nhựa tái chế ở khu công nghiệp Hải Phòng. Tận dụng nước thải để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dùng điện mặt trời áp mái để có điện năng tiêu dùng, xây dựng trang trại điện gió, điện mặt trời. Sử dụng phế - phụ phẩm nông sản để chế biến ra các thứ khác, trồng rau quả hữu cơ hay chuyên canh, luân canh, tận dụng phân xanh cải tạo đất. Sử dụng sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, Mô hình Vườn- Ao- Chuồng trong nông nghiệp đồng bằng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hùng - chuyên gia môi trường đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh sau đại dịch, với các nội dung:

- Điều kiện tiên quyết là không che giấu dịch bệnh, phủ nhanh tiêm chủng, nâng năng lực y tế dự phòng và điều trị - nhất là đội ngũ nhân sự, tạo ý thức toàn dân "sống thích ứng với dịch", an toàn, chủ động.

- Tái tổ chức bộ máy sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thuế, phí, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Cải thiện thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh, hợp lý, đơn giản hóa việc thông quan, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, hợp tác quốc tế.

- Triển khai các gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát tài chính ngân hàng, an sinh cho người lao động, xây dựng cơ sở phát triển bền vững.

- Hoàn thiện thị trường lao động chất lượng cao, cơ cấu nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế số, tự động hóa và quản lý sản xuất - dịch vụ an toàn, thân thiện môi trường trong thời đại công nghiệp 4.0.

Ông Lê Hùng nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn không là hệ thống kinh tế có cấu thành mà là mô thức vận hành có mối tương tác giữa các thành phần kinh tế với nhau và với môi trường, giữa sản xuất với tiêu dùng, để đảm bảo sự phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn còn là phương thức hoạt động tạo ra giá trị bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm qua việc thiết kế chuyển phế thải từ điểm cuối chuỗi sản phẩm trở lại điểm đầu, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn bằng dùng lại được nhiều lần. 

Vì vậy, nền kinh tế tuần hoàn xanh thân thiện môi trường, phát triển bền vững sẽ giải quyết hiệu quả mối suy thoái kép của 1 môi trường đã bị tổn hại nặng nề và 1 nền kinh tế đang bị tàn phá hủy hoại do dịch COVID-19, đưa TP. Hồ Chí Minh và đất nước thoát khỏi các nguy cơ về dịch bệnh, suy thoái kinh tế và môi trường. Mọi sản phẩm toàn cầu hóa hiện đại đều phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tính an toàn sử dụng, minh bạch quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng thân thiện môi trường có thể kiểm soát phế thải và tái chế. Chỉ có kinh tế tuần hoàn mới giải quyết được những đòi hỏi này.

Hội thảo thích ứng an toàn - phục hồi kinh tế sau đại dịch theo hướng phát triển xanh, phù hợp nền kinh tế tuần hoàn, với nội dung thiết thực, mang hơi thở cuộc sống, là những định hướng trước mắt cũng như lâu dài, để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Minh Yến

Minh Yến

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/doanh-nghiep-thich-ung-an-toan-theo-huong-phat-trien-xanh-phu-hop-nen-kinh-te-tuan-hoan-a67370.html