Giá dầu hôm nay 1/10: Tăng giảm trái chiều

Giá dầu hôm nay biến động trái chiều, trong khi Trung Quốc sẵn sàng mua thêm dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,16% lên 75,15 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 0,15% xuống 78,52 USD/thùng.

Theo báo cáo về triển vọng dầu mỏ thế giới của OPEC, nhu cầu dầu thô sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch trong năm 2022 và tiếp tục tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. OPEC vẫn khẳng định dầu thô tiếp tục là nguồn năng lượng chủ đạo, chiếm 28% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2045. Theo đó, nhu cầu dầu thô sẽ tăng từ mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức tăng 17,6 triệu thùng/ngày.

Giá dầu hôm nay 1/10: Tăng giảm trái chiều, nguồn năng lượng châu Âu cạn kiệt  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhưng kỳ vọng nguồn cung dầu thô tiếp tục thâm hụt đã giúp hỗ trợ giá. Citigroup dự báo thị trường dầu sẽ thâm hụt trung bình 1,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới, ngay cả khi nguồn cung tiếp tục tăng.

Lượng hàng tồn kho của Mỹ tăng lên khi sản lượng ở vùng Vịnh quay trở lại mức như trước khi cơn bão Ida đổ bộ khoảng một tháng trước. Sản lượng tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Giá năng lượng tăng vọt tại châu Âu khi mùa đông sắp đến. Các đợt cắt điện đột ngột ở Trung Quốc. Giá dầu, than và khí tự nhiên leo thang. Những sự kiện trên thế giới đang bị bủa vây bởi một đợt thiếu hụt năng lượng toàn cầu.

Nguyên nhân khiến chi phí ở châu Âu gia tăng là sự kết hợp của nhiều yếu tố địa phương, từ tồn kho khí tự nhiên và lượng nhập khẩu thấp, sản lượng điện èo uột từ các tuabin gió và trang trại năng lượng mặt trời, cũng như công việc bảo trì khiến các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gồm cả Nga, còn được gọi là OPEC+, dự kiến sẽ giữ thỏa thuận bổ sung sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho tháng 11.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng là người tiêu thụ lớn thứ hai toàn cầu, sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng, điện và sẽ duy trì các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý.

Các nhà phân tích cho biết một tác nhân có thể ảnh hưởng đến giá dầu là cuộc khủng hoảng điện và những lo ngại về thị trường nhà ở ở Trung Quốc, vốn đã ảnh hưởng đến tâm lý vì bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.

Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 9 do quy mô hạn chế sử dụng điện rộng hơn và giá đầu vào tăng cao.

Trong một diễn biến khác, đồng USD đạt mức cao nhất trong một năm vào đầu phiên đã khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.

An Mai

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/gia-dau-hom-nay-110-tang-giam-trai-chieu-a67154.html