Khi Eric Grunor (54 tuổi) mắc Covid-19 vào tháng 1, ông ở tình trạng yếu đến mức không thể rời khỏi chiếc ghế đang nằm. Lúc 3 giờ sáng, ông thấy đầu óc quay cuồng, mệt mỏi và không thể nói chuyện. Grunor chia sẻ: "Tôi gọi vợ dậy và nói rằng hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Vợ tôi còn nghĩ cô ấy sẽ trở thành một goá phụ."
Sau 3 tuần tự chữa tại nhà, Grunor đã hồi phục. Tuy nhiên, ông vẫn chưa tiêm vắc-xin và là một trong số nhiều người Mỹ được coi là "ngoan cố". Nhóm người này cho rằng họ có khả năng miễn dịch tự nhiên và không cần vắc-xin.
Grunor cho biết ông lo ngại rằng những người được tiêm vắc-xin vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh và tính lâu dài của nó không được đảm bảo. Ngay cả không nhiễm Covid-19, ông cũng không tiêm vắc-xin. Vợ và con trai ông - những người dường như đã tránh được Covid-19, cũng vậy
Theo ước tính gần đây, hơn 100 triệu người Mỹ có khả năng mắc Covid-19. Nhiều trong số đó là những người ủng hộ khả năng miễn dịch tự nhiên và nằm trong số 126 triệu người Mỹ chưa tiêm vắc-xin, tương đương khoảng 38% dân số.
Khi các cơ quan y tế thúc giục người dân trên khắp nước Mỹ tiêm vắc-xin, thì một cuộc thăm dò cho thấy những người đã mắc Covid-19 tước đó lại có xu hướng không ủng hộ việc này. Đa số cho biết việc mắc bệnh đã ảnh hưởng đến việc họ không tiêm chủng.
Cuộc tranh luận về khả năng miễn dịch tự nhiên lại càng khiến nhiều người chần chừ và tạo ra nhiều thách thức hơn cho chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ, trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành. Trong khi đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc mắc Covid-19 sẽ bảo vệ hiệu quả hoặc có thể chống lại các biến chủng hơn là chỉ tiêm vắc-xin.
Một phân tích của các nhà khoa học tại Israel cho thấy, những người đã tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 6 lần so với những người đã nhiễm bệnh và chưa tiêm vắc-xin.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên quy mô lớn của Anh lại chứng minh rằng việc tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin cũng có hiệu quả tương tự khả năng miễn dịch tự nhiên. Ngoài ra, tháng trước, CDC Mỹ cho biết những người đã mắc Covid-19 và chưa tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp đôi so với những người đã tiêm.
Các chuyên gia cho đến nay vẫn đang thảo luận về mức độ bảo vệ của từ việc đã nhiễm bệnh, thời gian kéo dài và ưu thế so với việc tiêm chủng như thế nào.
Paul Offit - giám đốc Trung tâm Giáo dịch Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, nhận định: "Nếu bạn đã nhiễm bệnh và được tiêm phòng, thì rõ ràng bạn đang có chút lợi thế. Không có lý do chính đáng nào để không tiêm vắc-xin."
Sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch tự nhiên và bảo vệ do vắc-xin từ lâu đã được coi là "con đường" thoát khỏi đại dịch. Các kháng thể và những thành phần khác của hệ thống miễn dịch "ghi nhớ" những "kẻ xâm lược", giúp con người tránh khả năng tái nhiễm.
Song, khả năng miễn dịch là yếu tố phức tạp và không phải là không có giới hạn. Nhiều căn bệnh truyền nhiễm như đậu mùa vẫn tồn tại hàng thiên niên kỷ, dù con người có phản ứng miễn dịch tự nhiên. Cuối cùng, bệnh dịch này chỉ kết thúc bằng cách tiêm chủng.
Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng bị đánh lừa bởi những "thủ thuật" của virus, chẳng hạn như biến chủng mới. Sau khi mắc Covid-19, đại đa số hệ miễn dịch của các bệnh nhân đều đã "ghi nhớ", được đo bằng các kháng thể và tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, 5% bệnh nhân ở Mỹ lại không có khả năng đó và mức độ bảo vệ ở mỗi người có sự khác biệt đáng kể.
Tham khảo Bloomberg
Vu Lam