Vietnam Airlines lỗ lớn, bên bờ vực phá sản
Hiện Vietnam Airlines chưa công bố BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 nhưng dự kiến vị trí quán quân lỗ sẽ thuộc về Vietnam Airlines khi công ty mẹ Vietnam Airlines đã ước lỗ 6 tháng khoảng hơn 9.800 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng xấp xỉ 10.800 tỷ đồng.
Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng nên chưa giải ngân thêm hoặc không gia hạn, cấp thêm hạn mức tín dụng.
Những khoản lỗ trăm tỷ quen thuộc
Những khoản lỗ trăm tỷ trong nửa đầu năm thuộc về những cái tên quen thuộc như DHB, MSR, KHP, CEO và VST.
Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (DHB) mặc dù lỗ quý 2 chỉ hơn 167,3 tỷ đồng, giảm lỗ một nửa so với quý 2 năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 Đạm Hà Bắc lỗ gần 415 tỷ đồng.
Masan High-Tech Materials (MSR) nhờ hợp nhất với H.C.Starck, quý 2 lãi gộp 554 tỷ đồng. Tuy nhiên phần lãi gộp tăng cao lại bị cấn trừ bởi sự sụt giảm doanh thu tài chính và chi phí tăng nên Masan High-Tech Materials (MSR) chỉ lãi ròng 2 tỷ đồng trong quý 2. Do quý 1 lỗ lớn nên lãi sau thuế 6 tháng âm 262,6 tỷ đồng.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) lỗ 105 tỷ đồng trong quý 2 do việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, LNST âm 182 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 230 tỷ đồng.
Tập đoàn C.E.O (CEO) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 126,7 tỷ đồng, nâng khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên con số gần 164,8 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 3 liên tiếp và cũng là quý có mức lỗ cao nhất của tập đoàn này nhiều năm qua.
Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) báo lỗ quý 2 hơn 47 tỷ đồng nâng lỗ 6 tháng đầu năm 2021 gần chạm 100 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 166 tỷ đồng, VST đã lỗ lũy kế 2.460 tỷ đồng tính đến 30/6/2021.
Vận tải, du lịch, khách sạn thậm chí cả bất động sản cũng gặp khó vì Covid - 19
Đứng đầu trong nhóm này là khoản lỗ của Vinasun, Quý 2/2021, Vinasun (VNS) lỗ ròng gần 66 tỷ đồng đã giảm bớt so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 1/2020.
Tiếp đó Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) cũng báo lỗ gần 47 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua. FTM cho biết dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong kỳ khiến Công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy số 2, số 5 và các chi phí cố định không được bù đắp lớn.
Vận tải Đường sắt Hà Nội - Haraco (HRT) lỗ gần 15,4 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 58,7 tỷ đồng của quý 2/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, LNST của công ty âm hơn 75,6 tỷ đồng - Đây là quý thứ 8 liên tiếp ông lớn ngành đường sắt kinh doanh gặp khó khăn và báo lỗ trong kinh doanh.
Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) lỗ sau thuế gần 59 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 23 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 46 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp.
Ngoài ra những khoản lỗ đáng chú ý khác trong 6 tháng đầu năm 2021 có thể kể đến chủ đầu tư loạt dự án nghìn tỷ tại khu vực Cầu Giấy - Nam Từ Liêm là Tasco cũng báo lỗ 74 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Danh Khôi (NRC) cũng công bố khoản lỗ sau thuế 46 tỷ đồng trong quý 2/2021 - mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ năm 2017. Sau nửa đầu năm, công ty báo lỗ sau thuế hơn 69 tỷ đồng, doanh thu 6 tháng chưa đến 5 tỷ đồng.
Trong nhóm này tiếp tục có sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như Vận tải biển Phương Đông (NOS) lỗ tiếp 69 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 4.500 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu hơn 4.200 tỷ đồng.
BOT Cầu Thái Hà (BOT) lỗ hơn 22,2 tỷ đồng – là quý thứ 10 liên tiếp công ty báo lỗ, nhưng vẫn giảm được 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 lên đến 43,2 tỷ đồng, giảm 2,8 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) lỗ 35 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 14,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, AST lỗ gần 67 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, AST đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 317,6 tỷ đồng và lỗ 83,87 tỷ đồng.
Doanh thu thuần tăng 100% đạt 27,5 tỷ đồng nhưng giá vốn và chi phí vận hành tăng cao khiến chủ sở hữu khách sạn Royal Hạ Long phải ôm lỗ ròng quý 2/2021 hơn 18 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, RIC lỗ 45 tỷ đồng. Kể từ quý 4/2019, RIC bắt đầu trượt dài trong thua lỗ. Sau 7 quý lỗ liên tục, mức lỗ lũy kế của RIC đã tăng lên gần 355 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong nhóm này có khoản lỗ 34 tỷ đồng của Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) trong 6 tháng đầu năm nay, do thua lỗ liên tục cùng hàng loạt vấn đề trong báo cáo tài chính, HKB đã bị hủy niêm yết bắt buộc vào cuối tháng 7 vừa qua.
Lỗ trong kế hoạch
Đa phần các doanh nghiệp lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm đều đã lường trước khó khăn khi đặt kế hoạch lỗ trong năm nay, trong đó như HRT dự tính lỗ gần 193 tỷ đồng.
Tasco cũng dự tính lỗ 100 tỷ, AST, VNS và FTM cũng dự kiến lỗ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên đến hết quý 2 đa phần đều đã vượt con số lỗ mục tiêu này.
Đáng chú ý có những mục tiêu lãi lớn như MSR dự kiến lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt khoảng 200 - 400 tỷ đồng. CEO Group đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, hay Danh Khôi (NRC) cũng dự kiến lãi 180 tỷ đồng trong năm nay.
Ngoại trừ MSR với những lợi thế về thị trường và giá, đồng thời thực hiện giá trị đối với việc bán sản phẩm đồng trong nửa cuối năm, MSR kỳ vọng vẫn sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021. Các mục tiêu có lãi trong năm 2021 đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp đã thua lỗ cao trong nửa đầu năm nay.
Trần Dũng
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nhieu-doanh-nghiep-lo-lon-trong-nua-dau-nam-2021-vietnam-airlines-gianh-ngoi-quan-quan-a66996.html