Mới đây, Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết Viện Hóa học đã nghiên cứu thành công phương pháp mới và hiệu quả trong tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây là một thông tin vui đối với Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng, chạm mốc 16.136 ca (tính tới thời điểm 6h ngày 29/6).
Trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học về thông thông tin trên, GS Tuyến cho hay, hiện tại các nhà khoa học Viện Hóa học đã tổng hợp thành công nguyên liệu làm thuốc trong phòng thí nghiệm, chứ chưa phải thuốc thành phẩm.
Đại dịch Covid-19 càn quét khắp mọi nơi trên thế giới gây ra nỗi hoang mang, lo sợ cho người dân toàn cầu. Lúc này, các nhà khoa học cũng đã bắt tay vào việc sàng lọc các loại thuốc kháng virus truyền thống (các loại thuốc kháng virus đã được nghiên cứu trước đó). Và các nhà khoa học đã thấy thuốc Favipiravir có khả năng chống lại nhiều loại virus.
Các nhà nghiên cứu của Viện Hóa học.
"Thuốc Favipiravir được nghiên cứu đầu tiên tại Nhật Bản là một loại thuốc chống virus đang được phát triển bởi Toyama Chemical với hoạt động chống lại nhiều loại virus. Trên thế giới thuốc Favipiravir đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số nước như Nga, Ý đã đưa thuốc Favipiravir vào sử dụng trong điều kiện khẩn cấp cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và thấy có những hiệu quả trong điều trị.
Tại Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp trên thế giới, vào tháng 8/2020, Viện Hóa học đã bắt tay vào nghiên cứu tổng hợp thuốc Favipiravir. Sau gần 1 năm bắt tay vào nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Hóa học đã tổng hợp thành công nguyên liệu làm thuốc Favipiravir.
Việc nghiên cứu tổng hợp này sẽ rút ngắn quy trình, cải tiến điều kiện phản ứng… sẽ giúp cho hiệu suất và giá thành hợp lý khi sản xuất thuốc", GS. Tuyến cho hay.
Thuốc Favipiravir được bào chế dưới dạng viên nén và sẽ được dùng bằng đường uống. Thuốc sẽ được sử dụng tương tự như các loại thuốc kháng virus điều trị cúm.
Thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir và lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật, Nga và một số nước khác.
GS. Tuyến cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi mới đang nghiên cứu bước đầu và thấy có sự thành công trong phòng thí nghiệm. Các bước thực hiện tiếp theo sẽ được cân nhắc cẩn thận khi tiến hành do thuốc liên quan tới con người.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu bước đầu này sẽ góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, các nhà khoa học của Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng quy mô quy trình tổng hợp thuốc này".
Trước đó, GS Tuyến đã cho biết hiện nay, việc nghiên cứu, cấp phép, sản xuất và tiêm chủng một số loại vaccine như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson đã góp phần ngăn ngừa đại dịch Covid-19 hiệu quả. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều loại biến thể mới có khả năng kháng vaccine, nên thuốc chống virus là yếu tố bổ sung quan trọng cho các loại vaccine hiện có trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Ngọc Minh