Đồng Tháp: 3 nữ sinh làm khẩu trang than hoạt tính từ bã mía
Một chiếc khẩu trang y tế được làm thủ công bằng tay, do nhóm 3 em học sinh là Bùi Thị Mỹ Duyên, Lê Thị Ngọc Yến và Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Trường THPT Lai Vung 2 nghiên cứu và chế tạo.
Điều đặc biệt hơn cả là những chiếc khẩu trang này có lớp than hoạt tính kháng bụi ở giữa được làm từ bã mía.
Chính nhờ biết áp dụng những kiến thức đã học, cùng với sự sáng tạo mà các bạn trẻ đã biến bã mía – một loại rác thải hữu cơ trở thành nguồn nguyên liệu hữu ích, giúp những chiếc khẩu trang tăng thêm tính năng và an toàn hơn cho người sử dụng.
Bã mía được các em học sinh chọn làm khẩu trang than hoạt tính.
Bã mía sau khi được thu gom lại sẽ được các em học sinh làm sạch, cắt nhỏ, phơi khô và sau đó tiến hành nung yếm khí ở nhiệt độ thích hợp để tạo ra than hoạt tính, một nguyên liệu quan trọng để làm lớp khử khuẩn cho khẩu trang.
"Mỗi khẩu trang sử dụng khoảng 1-2 mg than hoạt tính, mỗi ký bã mía sẽ làm ra được rất nhiều khẩu trang", Mỹ Duyên cho biết. Do các công đoạn đều làm bằng thủ công nên cả 3 em hợp lại làm, một chiếc khẩu trang mất khoảng 30 phút đến một tiếng.
"Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nếu khẩu trang này có thể giúp ích cho nhiều người là em rất vui", Ngọc Yến nói và cho biết, khi trình bày ý tưởng, 3 em được thầy cô ủng hộ, giúp đỡ.
Hiện tại, bã mía rất nhiều ở vùng quê. Người dân thường phơi khô bã mía làm chất đốt hoặc phân hữu cơ. Các em ước tính mỗi khẩu trang y tế dạng này có giá thành khoảng 3.000 đồng mỗi cái.
Sinh viên dùng bã mía làm khẩu trang phân hủy
Nhiều lần ngồi quán nước gần trường, Phan Văn Thịnh, sinh viên năm 4 - Đại học Duy Tân thấy bã mía chất thành từng đống trên vệ đường để đợi xe rác tới, em đã nghĩ tìm cách tận dụng.
Vì học kinh tế, không hiểu nhiều về các kiến thức sinh hóa nên Thịnh đã tìm đến những người bạn ở Khoa điều dưỡng trao đổi về ý tưởng tái chế bã mía.
Thấy phụ phẩm này có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên khoảng 30-60 ngày vì chứa sợi cellulose, nhóm nảy ý tưởng dùng bã mía làm thành khẩu trang dễ phân hủy hơn sản phẩm thông thường để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đầu tháng 3/2020, Thịnh cùng các bạn đi tìm nguồn nguyên liệu tại các quán nước trong khu. Cậu kể, ban đầu nhóm cảm thấy ngại vì không ai tin bã mía làm được khẩu trang, cũng chưa biết sản phẩm làm ra có thành công hay không, chỉ biết cố gắng hết sức có thể.
Từ bã mía tinh, nhóm tạo thành dung dịch tổng hợp và sau đó dệt mỏng thành tấm sợi mỏng, làm thành khẩu trang.
Mọi công đoạn xử lý và điều chế tiếp theo được thực hiện trong phòng thí nghiệm của trường mà nhóm mượn được sau cuối ngày học. Bã mía được ngâm với nước, sau đó đun sôi với chất caustic soda để làm bục thành sợi nhỏ, thu được dung dịch trắng trong, sau đó được lọc để lấy phần bã dạng tinh.
Sau 7 tháng chế tạo, những sản phẩm khẩu trang đầu tiên được nhóm gửi tới thầy cô và các bạn trong trường dùng thử, được phản hồi dễ thở, không bị ngứa da. Thịnh cho biết, nhóm đã gửi mẫu tới một số bệnh viện, trung tâm để kiểm tra và đánh giá độ an toàn của lớp vật liệu, đồng thời cải tiến từ ý kiến chuyên gia.
Em Nguyễn Hồng Dung, sinh viên năm 2 Khoa Điều dưỡng, trường Đại học Duy Tân, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Tại Hội thi Startup Duy Tân 2020 vào tháng 9, chúng em mạnh dạn đề xuất ý tưởng chế tạo khẩu trang làm từ bã mía và nhận được sự khuyến khích, tạo điều kiện của thầy, cô.
Chúng em mong muốn tạo ra loại khẩu trang thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe người; đồng thời thông qua công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức mang khẩu trang bảo vệ bản thân, phòng chống COVID-19".
Theo nhóm nghiên cứu, 1kg bã mía chưa sấy có thể làm ra 5 chiếc khẩu trang ba lớp, lọc được bụi, chống tia UV và ngăn giọt bắn, kháng khuẩn nhờ có thêm lớp kitin và nano bạc.
"Nếu có thể đưa ra thị trường, giá bán một chiếc khẩu trang sẽ khoảng 4.000 đồng. Hiện có một số công ty đã kết nối với nhà trường mong muốn phát triển sản phẩm", em Thịnh cho biết.
Theo Phys.org, Tiến sĩ Thomas Rainey, kỹ sư quy trình hóa học ở Đại học Công nghệ Queensland, Australia cho biết, vật liệu khẩu trang làm từ nguyên liệu thực vật bỏ đi như bã mía không chỉ lọc được các hạt virus nhỏ hơn 100 nanomet mà còn dễ thở hơn so với khẩu trang y tế.
Hải Yến
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nhung-startup-tre-sang-tao-y-tuong-lam-khau-trang-tu-ba-mia-a66837.html