Thủ thuật tinh vi làm giả, làm nhái phụ tùng xe máy

Tại Việt Nam, xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu khi chiếm tới 80% nhu cầu đi lại của người dân. Hàng năm có hàng triệu xe máy được tiêu thụ ở Việt Nam với các nhãn hiệu quen thuộc như Honda, Yamaha… Ăn theo thị trường xe máy đầy sôi động, hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị phụ tùng xe máy nhập lậu, làm giả, làm nhái cũng phát triển phát triển, trong đó: má phanh, đĩa phanh, lọc dầu, dây cu roa… được xếp vào danh sách những phụ tùng giả được sản xuất và buôn bán nhiều nhất.

Phụ tùng làm giả tinh vi

Mới vừa tuần trước, anh Nguyễn Đức Hoàng (Bắc Giang) thay chiếc má phanh cho chiếc xe máy hiệu Honda Wave RSX. Vì không có thời gian nên anh tranh thủ thay ở cửa hàng sửa chữa xe máy bên đường. Ai ngờ chưa được 1 tuần, anh lại phải lóc cóc đi thay lại vì má phanh đã quá mòn.

photo-1614762285127
Nhiều phụ tùng xe máy được làm giả tại một cơ sở xã Phúc Thọ, Hà Nội bị thu giữ.

"Bình thường tôi vẫn thay ở cửa hàng Honda chính hãng phải 4-5 tháng mới phải thay mới. Ra quán bắt đền thì họ bảo do mình đi nhiều, trời mưa đường đất đá nên mòn nhanh. Nhưng tôi tìm hiểu thì họ đã thay cho tôi hàng nhái kém chất lượng. Tôi rất bức xúc nhưng cũng không làm gì được", anh Hoàng chia sẻ.

Cũng giống như anh Hoàng, chị Phạm Thu Minh (Hà Nội) vừa đi bảo dưỡng chiếc xe Vision của mình ở một cửa hàng gọi là "quen biết". Khi đến sửa, thợ sửa xe báo hàng loạt phụ tùng cần thiết phải thay như công tơ mét, vòng bi, bát phốt xe máy, dây ga…

"Trước khi thay, anh thợ sửa xe còn cho tôi xem tem mác đầy đủ và vỏ bọc còn mới nên tôi hoàn toàn tin tưởng. Nhưng một thời gian sau, hết cái này hỏng đến cái kia trục trặc tôi mới biết mình đã bị thay những phụ tùng kém chất lượng", chị Minh búc xúc.

Theo ông Nguyễn Tiến Hữu – Chi Cục phó Đội Quản lý thị trường số 1 (Hà Nội), thị trường phụ tùng xe gắn máy có rất nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái các nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, FMC… đa phần có xuất sứ từ Trung Quốc hoặc trong nước sản xuất được bày bán tại nhiều cửa hàng sửa chữa xe máy trên toàn quốc.

Vừa qua, Đội QLTT số 1 cũng đã kiểm tra các cơ sở hoạt động gia công má phanh các loại trên địa bàn: Tại thời điểm kiểm tra có 500 chiếc má phanh cũ có chữ Yamaha, 120 chiếc má phanh cũ có chữ Yamaha đã tẩy má phíp; 310 xương má phanh cũ có chữ Yamaha đã dán má phíp và 110 bộ má phanh thành phẩm có chữ Yamha. Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Yamha được bảo hộ tại Việt Nam.

photo-1614762287141
Má phanh làm nhái dễ hao mòn gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Hiểm họa từ những phụ tùng giả

Theo anh Nguyễn Đức Hiền (một chủ cửa hàng sửa chữa xe tại quận Long Biên, Hà Nội): Những phụ tùng má phanh này nhìn rất đơn giản nhưng cũng rất quan trọng. Bởi má phanh làm giả thường nhanh mòn hoặc bị trơ nên rất dễ mất ma sát, dẫn đến phanh không ăn hoặc mất phanh. Nhiều trường hợp dùng keo ép má phanh vào xương không tốt có thể bị bung má phanh gây tai nạn trên đường bất cứ lúc nào.

Cũng theo anh Thắng, do hàng nhái chủ yếu được sản xuất kém chất lượng bằng công nghệ thủ công và chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ đều kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.

Điều đáng nói là hàng nhái được sản xuất ngày càng tinh vi và rất giống hàng thật, kể cả nhãn mác, bao bì sản phẩm. Một lý do khác khiến các loại phụ tùng xe máy rất hiếm khi bị phát giác là đa phần khách hàng đi sửa xe thường không có kiến thức chuyên môn nên hay phó mặc cho các thợ sửa xe trong việc lựa chọn phụ tùng, linh kiện nào để thay thế.

"Khi mới sử dụng, phụ tùng xe máy kém chất lượng có thể người tiêu dùng sẽ chưa nhận biết được tác hại của nó. Nhưng sau một thời gian, các linh kiện sẽ nhanh chóng hư hại, kéo theo độ bền của xe ngày càng giảm, hoặc ảnh hưởng các bộ phận liên quan", anh Hiền nhấn mạnh.

Anh Vũ Minh Đức (chuyên viên kỹ thuật tại cửa hàng Honda) cho hay: Một trong những sản phẩm được làm nhái nhiều nhất của xe máy hiện nay là bộ chế hòa khí (bình xăng con). Ngoài ra, má phanh cũng là phụ tùng thường xuyên bị làm giả. Đây là chi tiết chỉ sử dụng nguyên liệu amiăng- một nguyên liệu có thể gây ung thư phổi. Với nhà sản xuất có uy tín, lượng amiăng luôn được điều tiết cùng với các nguyên liệu khác để đảm bảo đúng chỉ số an toàn khi sử dụng. Còn với má phanh giả, mỗi lần bóp phanh lượng amiăng sẽ được giải phóng đi vào không khó, khiến người sử dụng nhiễm độc amiăng từ má phanh.

Ông Nguyễn Tiến Hữu – Chi Cục phó Đội Quản lý thị trường số 1 (Hà Nội) cho biết, không chỉ ghi nhận hàng hóa sản xuất và được bày bán ngoài thị trường không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng QLTT đã phối hợp với Cục thương mại điện tử và kinh tế số phát hiện nhiều trang web như www.vutru.vn; www.xemayanhem.vn; www.phutunganhem.vn giới thiệu và đăng bán nhiều phụ tùng online. Đây là những trang web chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt, trên các website này đa phần đều không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trước khi khách hàng tiến hành giao dịch sử dụng đặt hàng trực tuyến.

Mặc dù, lực lượng chức năng luôn quyết liệt đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý, tuy nhiên, khó khăn đối với lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý đó là hầu hết các cửa hàng bày bán thiết bị phụ tùng thường có "chiêu trò" đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. 

"Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng vì lợi nhuận mà sẵn sàng bày bán những sản phẩm kém chất lượng cho khách hàng", ông Hữu nhấn mạnh.

Người tiêu dùng cũng nên đến các đại lý bảo hành sửa chữa chính hãng hoặc cửa hàng uy tín khi có nhu cầu. Khi đem xe đi sửa, nên chú ý các thao tác cửa thợ sửa xe, không nên phó mặc cho thợ sửa xe hoặc các cửa hàng mà cần tự kiểm tra nguồn gốc của phụ tùng, linh kiện, yêu cầu phiếu bảo hành để có cơ sở khiếu kiện khi có vấn đề.

Trương Hưng

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/thu-thuat-tinh-vi-lam-gia-lam-nhai-phu-tung-xe-may-a4327.html