Vụ việc em bé 3 tuổi ngã từ tầng 13 của một khu chung cư tại Hà Nội mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn với nhiều gia đình sống ở dạng công trình nhà ở này, đặc biệt các gia đình có con nhỏ.
Với diện tích hạn chế và mật độ xây dựng ngày càng cao ở các đô thị lớn, các chung cư cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn trong thiết kế và xây dựng ban công và logia tại nhiều chung cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trên thực tế, việc xây dựng ban công hay lô gia đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong các chung cư cao tầng không chỉ là trách nhiệm của các nhà thiết kế hay chủ căn hộ, mà còn là trách nhiệm của chủ đầu tư. Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng trẻ nhỏ khi rơi từ ban công các tòa nhà cao tầng khiến dư luận quan ngại và phẫn nộ. Trong khi hầu hết các tai nạn đó đều có thể tránh được khi thiết kế, xây dựng ban công, lô gia và cửa sổ đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) chia sẻ trên báo Xây dựng cách đây không lâu cho biết, những quy định trong thiết kế, xây dựng ban công hay lô gia đảm bảo an toàn đã được nêu khá chi tiết trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008 "Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ" do Bộ Xây dựng ban hành như:
- Lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m.
- Các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở ga-ra ôtô.
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
- Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Trong quy định tại Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXDVN 323: 2004 "Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế" cũng quy định: Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m.
Mặc dù các quy định liên quan đến thiết kế và xây dựng ban công hay lô gia dành cho các chung cư đều được luật hóa rất chặt chẽ và chi tiết, tuy nhiên không ít chủ đầu tư phớt lờ. Các căn hộ cao từ 9 tầng trở lên, để tiết kiệm diện tích dành để xây dựng phòng khách hay nhà bếp, thay vì thiết kế lô gia, nhiều chủ đầu tư chọn phương án xây dựng ban công đưa ra ngoài. Khi ban công không đúng quy chuẩn chất lượng, những người sống trong chính chung cư đó phải chịu hậu họa khi tai nạn xảy ra.
Để tự đảm bảo an toàn và tránh tai nạn đáng tiếc khi sống tại các căn hộ cao tầng, nhiều gia đình sống chọn giải pháp lắp lưới an toàn gia cố cho lan can và lô gia của căn hộ chung cư.
Theo quan sát của phóng viên, lan can tại nhiều khu đô thị mới của Hà Nội như Trung Hòa - Nhân Chính, Dịch Vọng, Linh Đàm, Đền Lừ… và nhiều khu chung cư, tòa nhà đã và đang xây dựng, ban công được xây dựng cao hơn 1m nhưng không an toàn, như phía dưới là tường xây, phía trên gắn 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau 10cm hoặc lan can chỉ được bảo vệ bằng những thanh sắt khoảng cách khá rộng, hệ thống cửa sổ không có lưới sắt bảo vệ… Sự tắc trách và phớt lờ trong thiết kế xây dựng của chủ đầu tư, cộng với sự chủ quan của gia chủ sẽ tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường đối với sức khỏe và tính mạng của những người sống tại các chung cư, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Trở lại câu chuyện em bé ngày hôm qua. Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã xuất hiện và hành động như một người hùng và điều kì diệu đã xảy ra khi em bé thoát khỏi tay tử thần. Nhưng tương lai đâu phải lúc nào cũng có người hùng và điều kì diệu? Các chủ đầu tư và các gia đình hãy xem câu chuyện ngày hôm qua là bài học sống còn, đừng để đến khi "mất bò mới lo làm chuồng" thì e là đã muộn.
Kiều Anh