Trong 61 dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng mà HĐND TP.HCM vừa quyết định hủy bỏ, có những dự án nằm trên "đất vàng" quận 1 nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư phù hợp.
Trong khi đó, có dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoặc gặp khó khi phải rà lại trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định mới...
Dự án ở "tam giác vàng" bị hủy bỏ
Trong 61 dự án bị thu hồi đất, có 10 dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư (16,4%). Nổi bật có 2 dự án nằm ngay trung tâm quận 1.
Đó là dự án ở khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão với diện tích 1,22 ha. Dự án này được mệnh danh là "tam giác vàng" của thành phố và được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của quận 1.
Tháng 10/2017, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đến tháng 4/2018, Sở Xây dựng mới tính được chi phí đầu tư xây dựng là 7.634 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cùng lúc, Sở Tài nguyên và Môi trường lại đưa dự án này vào danh sách chưa triển khai thực hiện sau 3 năm và trình UBND TP đưa khỏi kế hoạch sử dụng đất quận 1.
Đến tháng 12/2020, tại kỳ họp lần thứ 23, HĐND TP đã thông qua đề xuất của UBND TP về việc hủy bỏ dự án này.
Tương tự, dự án khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (0,36 ha) cũng đã quá 3 năm chưa triển khai do UBND TP chưa lựa chọn được nhà thầu, phải chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng.
Tại quận 7, có 3 dự án bị thu hồi đất. Đầu tiên là dự án đường kết nối từ đường số 43 khu đất của ông Lê Xuân Thành (0,01 ha).
Cuối năm 2014, Trung tâm chống ngập TP có đơn thư phản ánh việc công trình này san lấp một phần rạch Thầy Tiêu - tuyến rạch giúp giải quyết thoát nước cho phường Bình Thuận.
Tháng 3/2015, UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng và chủ đầu tư là UBND phường Bình Thuận khắc phục, hoàn trả lại nguyên trạng rạch như ban đầu.
Dự án thứ 2 là Ban chỉ huy Quân sự phường Tân Kiểng (0,01 ha) bị hủy bỏ do UBND quận 7 đã sửa trụ sở của đơn vị này tại 223 Lê Văn Phương (phường Tân Kiểng, quận 7).
Thứ 3 là dự án xây dựng tôn tạo di tích lịch sử Gò Ô Môi (0,1 ha) đã được UBND quận 7 quyết định không mở rộng dự án mà sử dụng theo hiện trạng.
Vướng giải phóng mặt bằng
13 trong tổng số 61 dự án trên lại gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chiếm tỉ lệ 21,3% các dự án bị hủy bỏ.
Trong đó có 5 dự án nhà chung cư thuộc quận 5. Qua kiểm định chất lượng, các khu này đều thuộc chung cư cũ cấp độ C và trong tình trạng chưa chọn được nhà đầu tư để thực hiện dự án. Cùng với đó, 5 dự án này cũng chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà ở chung cư.
Tương tự, quận Bình Thạnh cũng có 2 dự án bị chậm tiến độ đều do vướng giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án Công viên cây xanh phường 27 (0,04 ha) chậm triển khai, vì quận chưa thực hiện được công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do người dân không đồng ý. Còn chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao tầng, cao ốc văn phòng trung tâm thương mại dịch vụ phường 22 (4,09 ha) cũng chưa đạt được thỏa thuận về giá bồi thường với dân.
Hai dự án đường tại quận Tân Bình là nối dài hẻm 281 Võ Thành Trang ra Phạm Phú Thứ và bồi thường, giải tỏa đường Trần Mai Ninh đều gặp vướng do người dân không đồng tình bàn giao đất.
Nguyên nhân lớn khác khiến nhiều dự án bị đình trệ và phải thu hồi đất là do đang rà lại trình tự thủ tục đầu tư theo quy định mới về các dự án BT. Số dự án này là 8/61 dự án - chiếm tỉ lệ 13,11% các dự án bị hủy bỏ. Đáng chú ý, cả 8 dự án này nằm tại quận Thủ Đức.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác khiến các dự án thu hồi đất chậm triển khai đến mức bị hủy bỏ như dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án; phát sinh khiếu nại, khiến kiện; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đã hết hạn...
Thu Hằng
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/vi-sao-tphcm-huy-bo-hang-loat-du-an-thu-hoi-dat-a4155.html