Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc làm rõ có hay không quy định chung cư bố trí tầng lánh nạn có thể khiến giá nhà bị đẩy lên cao như phản ánh của báo chí. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho vấn đề này.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD (Quy chuẩn 06:2020) về an toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020, áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng với nhiều điểm mới.
Quy chuẩn quy định rõ nhà có chiều cao trên 100 m phải bố trí tầng lánh nạn; trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn đảm bảo yêu cầu tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng; không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn...
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng do quy định tầng lánh nạn nên sẽ dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, giảm quy mô dân số của dự án. Từ đó, dẫn đến làm tăng giá bán căn hộ và các diện tích kinh doanh khác. HoREA cho rằng không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính hệ số sử dụng đất; và nên cộng thêm chiều cao tầng lá nh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.
Theo ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DRH Holdings, nhiều nước trên thế giới đã quy định về tầng lánh nạn, khu vực lánh nạn trong tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các tòa nhà chung cư từ lâu. Việt Nam đưa ra quy định tầng lánh nạn là cần thiết.
Để tránh lãng phí các tầng lánh nạn này, ông Sơn cho rằng chủ đầu tư có thể thiết kế thành các khu vực cây xanh, khu sinh hoạt chung của cư dân.
Để khuyến khích chủ đầu tư xây dựng tốt các tầng lánh nạn, giảm được chi phí đầu tư thì nên có quy định tăng diện tích xây dựng cho các dự án.
Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng cho biết, theo định nghĩa của Việt Nam, tùy từng loại nhà (nhà nhiều tầng, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng) mà có cách ứng xử, quy định khác nhau liên quan đến an toàn sinh mạng, an toàn PCCC.
Ngày nay, Việt Nam ngày càng xuất hiện các tòa nhà siêu cao tầng (trên 100m) nên bên cạnh các quy chuẩn hiện thời, việc bổ sung thêm yêu cầu PCCC đối với loại nhà này là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông, không phải tòa nhà nào cũng phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn. Bản thân các tòa nhà dưới 100m đã phải tuân thủ những quy chuẩn hiện thời, chủ đầu tư nào không thực hiện là vi phạm, không được phép đưa vào khai thác.
Đối với các tòa nhà trên 100m, thường người ta quy định không quá 20 tầng phải có tầng lánh nạn/gian lánh nạn. Việc quy định phải hết sức chuẩn xác để tránh bị lạm dụng, ví dụ, nhà bao tối thiểu bao nhiêu mét, có tối thiểu bao nhiêu tầng thì phải có không gian lánh nạn nói trên. Yêu cầu đối với tầng/gian lánh nạn đó như thế nào... tất cả phải làm rõ ràng, cụ thể.
Theo đó, ngoài các quy chuẩn, tiêu chuẩn thông thường liên quan đến an toàn sinh mạng, an toàn PCCC mà các tòa nhà cao tầng đều phải đáp ứng, tầng lánh nạn phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật khắt khe liên quan đến an toàn cháy", ông Chủng cho biết.
Ông cũng thừa nhận, không phải chủ đầu tư nào cũng hào hứng và muốn xây dựng tầng lánh nạn/gian lánh nạn, bởi mỗi mét vuông đều rất nhiều tiền. Tuy nhiên, đã là quy chuẩn kỹ thuật thì chủ đầu tư bắt buộc phải tuân theo.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, chuyên gia tài chính - bất động sản Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng: “Việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất hiện nay là nên tập trung vào cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm và các thiết bị phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn như cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm hoàn toàn có thể xây ra bên ngoài chung cư, nếu xây ở trong toà nhà như hiện nay khi có hoả hoạn xảy ra thì sẽ rất khó để người dân thoát nạn và các phương tiện cứu tiếp cận dễ dàng", ông Hiếu nói.
Ngoài việc phải đảm bảo thiết kế đúng quy chuẩn quy định, theo ông Hiếu, việc phòng cháy chữa cháy của chung cư cũng cần được thường xuyên thực hành cuộc diễn tập chữa cháy để giáo dục cư dân về các quy trình thoát hiểm và cách thoát hiểm để an toàn cho chính họ trong quá trình sơ tán.
Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định, chủ đầu tư nào không tuân thủ phải có biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm khắc.
Hà Linh
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/xay-tang-lanh-nan-chung-cu-co-an-toan-hon-a4123.html