Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin trong bài viết: “Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom bị 'tố' gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, đề cập đến tình trạng hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần Febecom (Công ty Febecom, địa chỉ KCN Phúc Khánh, phường Phú Khánh, TP.Thái Bình).
Theo đó, hàng chục hộ gia đình ngày đêm phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng không một cơ quan nào ở tỉnh Thái Bình có thể xử lý dứt điểm. Sự việc căng thẳng đến mức, mỗi khi nhà máy hoạt động, người dân lại tập trung tại cổng nhà máy yêu cầu phía công ty tạm dừng để khắc phục.
Theo chia sẻ của Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phú Khánh, TP. Thái Bình, từ tháng 6/2018 đến nay, người dân kéo đến cổng Công ty Febecom gần 20 lần. “Người dân chúng tôi bận đi làm để kiếm ăn, không phải ai cũng rảnh để canh chừng việc hoạt động của nhà máy. Sự việc được báo đến chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng không giải quyết triệt để”, anh Tân, một người dân địa phương cho biết.
Thậm chí qua việc trả lời của cán bộ phường Phú Khánh mới thấy sự coi thường pháp luật của Công ty Febecom. Dù chưa được các cơ quan Nhà nước phê duyệt về thủ tục đất đai, chưa được phép hoạt động, các sai phạm của công ty chưa được khắc phục nhưng phía công ty vẫn hoạt động nhiều năm nay.
Sở TN&MT tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều buổi làm việc liên ngành, nhiều biên bản kiểm tra, làm việc được lập. Nhưng việc xử lý vẫn không mang lại hiệu quả.
Thấu hiểu sự bức xúc của người dân, PV ghi nhận thông tin về thực trạng môi trường của Công ty Febecom gửi đến Sở TN&MT tỉnh Thái Bình để đơn vị tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường và giúp người dân được sống trong môi trường trong lành.
Sau nhiều ngày đặt lịch, PV được ông Vũ Hải Đăng, Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Thái Bình, nhắn lại cho PV liên hệ làm việc với ông Nguyễn Kiên Cường, Chánh Thanh tra Sở.
Tuy nhiên sau khi liên hệ với ông Cường, phóng viên rất ngạc nhiên trước việc trả lời của vị cán bộ này. Thay vì ghi nhận thông tin phóng viên đề cập, phối hợp cung cấp thông tin, trả lời, sắp xếp lịch làm việc theo sự phân công của Văn phòng Sở, ông Cường lại lái sang hướng tôn chỉ, mục đích của tạp chí. Đồng thời yêu cầu phóng viên phải lấy giấy giới thiệu khác đến để làm việc.
Thảo luận tại tổ Dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (ngày 11/6), theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề môi trường là thách thức lớn không chỉ riêng Việt Nam mà cả toàn cầu.
“Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường. Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Nhận được ý kiến của ông Cường, phóng viên đã thông tin lại đến ông Vũ Hải Đăng và nhận được sự phản hồi cụt ngủn: “Anh đùa ấy chứ”. Không rõ đây, ông Đăng muốn nói làông Cường đùa hay ông Đăng đùa?
Sự việc Công ty Febecom hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường là vấn đề hiện hữu, kéo dài nhiều năm nay. Môi trường và cuộc sống, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng là sự thật. Sự bất lực trong việc xử lý của Sở TN&MT Thái Bình cũng là thật, minh chứng là hàng loạt buổi kiểm tra được thể hiện trên văn bản kéo dài nhiều năm nay. Không rõ vị cán bộ này có gì vui vẻ mà "đùa" như vậy?
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, ông Cường, Chánh Thanh tra sở TN&MT tỉnh Thái Bình nói phía Sở chỉ có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, còn việc xử lý là của công ty, người dân giám sát…
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Đình Thắng (Công ty Luật TNHH Koci, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã được quy định cụ thể tại Điều 14, Nghị định 35/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quy định cụ thể với 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ thanh tra, xử phạt và báo cáo kết quả với lãnh đạo sở TN&MT.
Như vậy, với chức năng nhiệm vụ của mình, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thái Bình không chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, kiểm tra. Việc ông Cường không rõ nhiệm vụ của mình hay cố tình lơ đi để một đơn vị vi phạm trong lĩnh vực môi trường kéo dài nhiều năm liền, gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, thì nên xem xét lại.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
3. Trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
4. Trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc thành lập Đoàn thanh tra, cử Thanh tra viên, trưng tập Cộng tác viên Thanh tra thực hiện việc thanh tra theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của Thủ trưởng đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra; kiến nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
7. Kiến nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh, đồng thời báo cáo Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Hà Điệp - Nguyễn Cường
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/vu-febecom-xa-thai-cau-tra-loi-kho-hieu-cua-chanh-van-phong-so-tnmt-tinh-thai-binh-a4119.html