Hà Nội vẫn 'khát' nước sạch

Mặc dù tỉ lệ dân đô thị được cấp nước khá cao nhưng Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nhất là vào những tháng cao điểm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội đáp ứng được gần 100% nhu cầu sử dụng, tuy nhiên chất lượng nước và áp lực nước tại nhiều khu vực vẫn chưa đảm bảo. Đặc biệt, vào các mùa cao điểm nắng nóng, hoặc vỡ đường ống nước, khả năng thiếu nước sạch là hiện hữu.

Còn ở ngoại thành, các nhà máy nước sạch chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo thống kê, khu vực nông thôn Hà Nội gồm có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây với tổng dân số khoảng 4,3 triệu người. Đến hết năm 2017, có 175 xã được cấp nước với khoảng 2,1 triệu người, nâng tỉ lệ cấp nước lên khoảng 49,4%. Thực tế này còn rất xa so với mục tiêu 100% người dân Thủ đô sẽ được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn vào năm 2020 mà TP đề ra.

Thời gian qua, nhiều người dân tại các huyện như Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm hay Chương Mỹ vẫn có nhiều xã “trắng” nước sạch. Con số người dân nông thôn chưa được tiếp cận nước sạch vào khoảng 2,7 triệu người.

Theo báo Hà Nội mới, khảo sát trên địa bàn huyện Chương Mỹ với hơn 80 nghìn hộ dân cho thấy, mới chỉ có 17 nghìn hộ được sử dụng nước sạch hoặc được đấu nối với đường ống cấp nước. Cả huyện có 13 công trình cấp nước nhưng chỉ có 4 công trình đang hoạt động, 6 công trình đang xây dựng dở dang và 3 hệ thống cấp nước đã hư hỏng, không thể sử dụng.

Tại huyện Đan Phượng, mạng lưới nước sạch mới chỉ đến với 5 xã, thị trấn, còn lại 11 xã vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Mê Linh với con số khoảng hơn 6.000 hộ được cấp nước sạch, chiếm khoảng 10 % số dân toàn huyện.

Huyện Gia Lâm, dù rất nỗ lực mới đạt được kết quả 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1% số dân. Tuy nhiên, ở một số xã, tiếng là nước sạch đã về đến nơi nhưng người dân lại chưa được dùng do dự án chậm tiến độ.

tm-img-alt Mất nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh của các cư dân tại nhiều khu đô thị Hà Nội.

Không chỉ ở khu vực ngoại thành mà tình trạng thiếu nước sạch vẫn tồn tại ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hà Đông. Cả phường Phú La, quận Hà Đông và phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm do nhà máy nước sạch Hà Đông và Pháp Vân cung cấp.

Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt trên địa bàn, từ năm 2016 đến tháng 10/2019, TP.Hà Nội đã có 5 dự án cấp nước nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn hiện nay đạt 1,52 triệu m3/nghìn đồng, tăng 632.000 m3/nghìn đồng so với năm 2016.

Trong khi nhu cầu sử dụng bình quân hiện khoảng 1,15 - 1,25 triệu m3/nghìn đồng. Với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) và nhu cầu sử dụng nước của nhân dân vào thời gian cao điểm mùa hè tăng khoảng 5 - 10% thì sản lượng này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng.

Hiện nay, có 5 dự án cấp nguồn trên địa bàn thành phố đang thực hiện, gồm: Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 2) nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (hợp phần 2) nâng công suất lên 450.00 - 600.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Phú Sơn (huyện Ba Vì) giai đoạn 2 nâng công suất lên 60.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Mê Linh (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) công suất 25.000m3/ngày đêm đang triển khai thi công (tiến độ thực hiện 2019-2020) với tổng công suất dự kiến tăng thêm khoảng 670.000m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn đang chậm tiến độ, chưa hẹn ngày về đích. Trong đó, có thể kể đến dự án nhà máy nước mặt sông Hồng được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng chậm tiến độ kéo dài.

tm-img-alt

Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng chậm tiến độ. (Ảnh: Đời sống pháp lý)

Được biết, dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng được chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2015. Tại thời điểm này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, mục tiêu của dự án là trong giai đoạn đến năm 2020, xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3 đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng. Bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32, thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3.692,3 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo qui định của pháp luật.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, theo phân kì đầu tư, quý IV năm 2015, sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công Dự án vào năm 2016. Đến năm 2018, sẽ hoàn thành Nhà máy với công suất 150.000m3/ngày đêm. Đợt 2, từ 2018-2020, sẽ xây dựng, lắp đặt thiết bị, nâng thêm công suất 150.000m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 4/2020, dự án vẫn đang là công trường ngổn ngang.

tm-img-alt

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Tương tự, đến thời điểm này, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đang cho thấy không hoàn thành đúng tiến độ, đúng quy mô cấp nước.

Theo kế hoạch, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sông Đuống bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề.

Tháng 1/2019 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã bổ sung nguồn cấp cho Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông với công suất bình quân 120.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, địa bàn huyện Sóc Sơn vốn nằm trong quy hoạch có đường nước sông Đuống hiện hữu lại chưa có một đoạn ống nước sạch nào được lắp đặt.

Hà My

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/ha-noi-van-khat-nuoc-sach-a4115.html