Dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo, bỏ ngỏ hệ lụy môi trường

Dồn dập đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió đã khiến nhiều chủ đầu tư nhanh chóng ngậm “trái đắng”, đồng thời khiến cho lưới điện khu vực bị quá tải nghiêm trọng. Thế nhưng, những vấn đề về tác động môi trường lại chưa có giải pháp cụ thể.

Một thời “chạy nhanh, phanh gấp”

Chỉ trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Đặc biệt, với kỉ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Tính đến nay, nguồn điện mặt trời đã chiếm khoảng 10% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.

tm-img-alt

Nhiều chủ đầu tư kết hợp phát triển dự án điện mặt trời và điện gió. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Về hiện trạng phát triển NLTT, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2020 tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485 MW, điện mặt trời đạt 5.829 MW, điện sinh khối đạt 169 MW chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Về sản lượng, tính đến hết tháng 9/2020, điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện mặt trời đạt 7.274 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh chiếm khoảng 4,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn quốc.

Có thể nói, những chính sách khuyến khích của Chính phủ về cơ chế giá đã đưa điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam sang một trang mới, thu hút hàng trăm nghìn tỉ đồng của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực vốn rất “kén” nhà đầu tư.

Sự tăng trưởng thần tốc nói trên là nhờ cơ chế giá ưu đãi rất hấp dẫn quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời ngày 11/4/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2018, chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công, tuy nhiên con số này tăng lên gần 30 lần sau 6 tháng, tập trung rầm rộ vào tháng 4 và tháng 6/2019, với công suất lắp đặt xấp xỉ 4.500 MW. Riêng tháng 6/2019, tháng cuối cùng trước khi Quyết định 11 hết hiệu lực, có thêm 49 dự án được vận hành.

Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Nếu so với giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh), đó là mức giá rất cao, chỉ xếp sau điện khí và điện chạy dầu.

Giai đoạn bùng nổ đi qua, sự trầm lắng trở lại trên các công trường dự án điện mặt trời lỡ hẹn với mốc 30/6/2019. Thị trường điện mặt trời đã có sự chững lại đáng kể do chưa có giá mua điện mặt trời mới sau ngày 1/7/2019 và tồn tại "độ vênh" giữa quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải, nhiều dự án buộc phải giảm công suất để bảo đảm an toàn trong vận hành hệ thống điện. Nhiều dự án đang xây dựng dở dang khiến các nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” do vốn vay lên tới 60-70% mức đầu tư nhưng “lên được lưới hay không thì phải chờ”.

Sau khi giá ưu đãi cho điện mặt trời hết thời hạn, cao trào điện gió xuất hiện. Tương tự như điện mặt trời, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nguồn điện này.

Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút doanh nghiệp vào đầu tư.

tm-img-alt

Giai đoạn bùng nổ dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã đi qua. (Ảnh: Vietnamnet)

Tính đến tháng 7/2020 cả nước mới chỉ có 2.688,68 MW điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (11.800 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch), ngoài số đã hòa lưới và một số đã triển khai thi công, phần lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến cuối năm 2021 mới hoàn thành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sẽ có nhiều dự án điện gió bị chậm tiến độ.

Như vậy, mặc dù đến hết tháng 10/2021 cơ chế giá ưu đãi đối với dự án điện gió mới chấm dứt, song từ bây giờ nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy mối nguy cơ hiện hữu...

Hệ lụy phía sau “cơn sốt”

Mặc dù tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên nhìn lại thời gian vừa qua, sự phát triển nhanh chóng, rầm rộ này đã để lại nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư và cả môi trường.

Là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại từ “khoảng trống” của cơ chế giá, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa chia sẻ với báo chí, đã nhiều ngày ăn ngủ không yên, dự án đứng trước nguy cơ phá sản, do không kịp vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi 2.100 đồng/số. Trong khi đó, từ sau 30/6/2019 đến nay, cơ chế giá điện mặt trời vẫn đang được ban hành. Với dự án năng lượng, lãi vay thường chiếm 60-70% vốn đầu tư, lãi suất phổ biến 10-11% một năm như hiện nay, dự án dừng ngày nào, chủ đầu tư như “ngồi trên đống lửa” ngày đó.

Tuy nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt, cuối năm 2019, hàng chục nhà đầu tư điện mặt trời trên cả nước đã đồng kiến nghị vào một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm ban hành cơ chế giá cho những dự án điện mặt trời đang đầu tư xây dựng dở dang.

Từ thực trạng đó, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển NLTT, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Những chính sách đầu tư của Nhà nước cần có sự nhất quán, tránh để lại những “khoảng trống” về giá điện mặt trời thời gian qua.

Bên cạnh đó, do nhà đầu tư dồn dập triển khai điện mặt trời nên nhiều dự án sau khi hoàn thành, “niềm vui chẳng tày gang” đã gặp cảnh không thể phát hết điện lên lưới. Việc phải “gánh vác” truyền tải công suất cho nguồn phát điện mặt trời gia tăng số lượng lớn đã khiến cho lưới điện khu vực bị quá tải một cách nghiêm trọng. Do vậy, kể cả điện mặt trời lẫn điện gió buộc phải giảm công suất để bảo đảm an toàn trong vận hành hệ thống điện. Thực tế ngay tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, do quá tải lưới điện 110 kV, nhiều nhà máy chỉ phát được 30-40% lên lưới.

tm-img-alt

Nhiều dự án buộc phải giảm công suất để bảo đảm an toàn trong vận hành hệ thống điện. (Ảnh: Internet)

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư, nên tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng đang khiến nhiều dự án điện gió không thể vận hành kịp thời điểm hưởng giá ưu đãi. Như vậy, điện gió dường như đang đi theo vết xe đổ của các dự án điện mặt trời do đầu tư chạy theo phong trào, chưa có sự tính toán kỹ lưỡng. 

Ở khía cạnh tích cực, NLTT nói chung mang lại lợi ích về khí hậu, thúc đẩy an ninh năng lượng, cải thiện chất lượng không khí địa phương và sức khỏe con người. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời còn tạo gánh nặng đối với môi trường.

Tại Việt Nam, hơn 1 triệu tấm pin được lắp đặt tại cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Group, khoảng 300.000 tấm panel tại dự án của Srêpok và Quang Minh hay gần 150.000 tấm pin năng lượng tại dự án TTC Phong Điền cũng như nhiều dự án khác được đưa vào khai thác mà chưa tính đến việc sẽ phải làm gì khi các tấm pin hết hạn sử dụng. 

Theo Cục Năng lượng Mỹ, tuổi thọ trung bình của một tấm pin mặt trời là khoảng 20 năm, việc phân loại và xử lý rác từ pin năng lượng mặt trời tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường… Có ý kiến cho rằng rác thải từ các công trình năng lượng mặt trời có thể là quả bom hẹn giờ vì cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời.

Số liệu nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, việc sử dụng các tấm năng lượng mặt trời làm tăng mạnh khí nhà kính nitrogen trifluoride (NF3), một loại khí mạnh hơn gấp 17.200 lần so với khí CO2. Trong tấm pin năng lượng mặt trời chứa một lượng nhỏ bạc, thiếc, chì, và các kim loại và linh kiện khác. Trong đó, chì và thiếc, nếu bị ngấm vào đất và nước ngầm sẽ gây ra các mối lo ngại về sức khỏe và môi trường.

Trên thực tế, EU là khu vực duy nhất có khung pháp lý minh bạch và mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình tái chế rác thải từ pin năng lượng mặt trời. Kể từ giữa năm 2012, Chỉ thị số 2012/19/EU về tái chế thiết bị điện và điện tử, yêu cầu các nước châu Âu áp dụng các chương trình quản lý chất thải, trong đó các nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế các tấm pin mà họ đã bán ra. 

Trong phiên họp Quốc hội ngày 5/11/2020, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Vương Liễu

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/don-dap-dau-tu-nang-luong-tai-tao-bo-ngo-he-luy-moi-truong-a4099.html