Chủ yếu chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tuần đều là trung bình và kém nhưng chỉ số ở mức trung bình nhiều hơn kém và đã xuất hiện cả những ngày xấu.
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ Môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần qua AQI có xu hướng xấu hơn so với tuần trước đó.
Cụ thể trạm Chi cục Bảo vệ Môi trường có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 42.9%; còn lại đều có chất lượng không khí ở mức trung bình. 2 trạm Kim Liên, Tân Mai và Tây Mỗ có 2 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 28.6%, còn lại đều ở mức trung bình. Cuối cùng là trạm Mỹ Đình đều có 1 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 14.3%; còn lại đều ở mức trung bình.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Chỉ số AQI xấu đi so với tuần trước.
Cụ thể, cả 2 trạm đều có 2 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 28.6%; còn lại đều ở mức kém. Riêng trạm Minh Khai là xuất hiện 1 ngày chất lượng không khí ở mức xấu chiếm 14.3%. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt là 153 - 133.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công chất lượng không khí của tuần qua cũng có xu hướng xấu đi so với tuần trước đó. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 14.3%, còn lại đều ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu có 3 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 42.9%; còn lại tất cả các ngày đều ở mức kém. Trạm Thành Công có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 42.9%; còn lại đều ở mức trung bình.
Đây là tuần thứ 3 liên tiếp chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô có xu hướng đi xuống. Lý giải hiện tượng trên, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường nhận định, nguyên nhân chủ yếu do đốt rơm rạ của người dân xung quanh TP tạo nên lớp sương mù làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đồng thời ảnh hưởng của phương tiện tham gia giao thông, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, điều này làm cho các chất ô nhiễm không được khuếch tán, dẫn đến chất lượng không khí có xu hướng xấu đi.
Ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép so với tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Tổng cục Môi trường cho rằng kết quả quan trắc trong những năm trước cũng cho thấy khu vực miền Bắc giai đoạn giữa mùa đông là thời kỳ chất lượng không khí thấp nhất trong cả năm. Vì vậy, người dân cần theo dõi các thông tin về chất lượng không khí để có những ứng phó phù hợp. Trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu thì hạn chế các hoạt động ngoài trời, luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn và hạn chế mở cửa nhà.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hiện nay, không khí lạnh có cường độ ổn định, nhiễu động gió Đông trên cao sau bão số 13 đang hoạt động mạnh dần lên trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Dự báo, trong hôm nay (16/11), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to; các nơi khác ở Việt Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 17-20 độ, vùng núi 15-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ.
Khu vực Hà Nội, có mưa, mưa vừa. Trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ.
Nhật Hạ
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/chat-luong-khong-khi-ha-noi-dien-bien-xau-a4060.html