Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất nhằm ứng phó suy thoái kinh tế

Ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) giảm mạnh lãi suất điều hành về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quyết định giảm từ 0,5-1% với các lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Việt Nam chưa dùng tới phương án "bơm tiền" tại thời điểm này.

Ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất điều hành về mức 0% - 0,25%, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Mỹ dường như đã phải vận dụng tới quân bài cuối cùng để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại cùng với cú "sốc" từ dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong những quyết định mạnh mẽ của Fed nhưng lại là quyết định “chân tường” vì sau đây Fed không còn một “điểm lùi” nào nữa khi đưa lãi suất về gần bằng 0. 

Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm mạnh 0,5-1% các lãi suất chủ chốt nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Trước động thái này của Fed, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cùng lúc 6 quyết định quan trọng, điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và là lần thứ 2 nhà điều hành dùng công cụ lãi suất kể từ lần điều chỉnh hồi tháng 11/2019. Mức độ giảm mạnh từ 0,5-1% đối với các lãi suất chủ chốt và có hiệu lực ngay từ ngày 17/3/2020. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Cùng với đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

Tại các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Cùng với đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.

Động thái này đưa ra, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ ngành nhanh chóng đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động kinh tế cũng như ngăn chặn nguy cơ suy thoái. 

Các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 16/3 cũng đã kiến nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó kiến nghị cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... nhằm chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn dịch bệnh cũng như hỗ trợ phục hồi sau dịch.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng:“Hành động của FED càng làm nổi bật sự bình tĩnh và chuẩn bị kỹ lưỡng của Việt Nam. Tôi đánh giá cao những hành động nhanh chóng, kiên quyết và thể hiện sự chuẩn bị kĩ lưỡng của Ngân hàng Nhà nước”. Theo ông Bảo, quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thay vì tung ra các gói cứu trợ nhằm “bơm tiền” cứu thị trường là phù hợp, thận trọng bởi chính sách mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, không thể vội vã chiều theo những lời kêu gọi của các nhóm lợi ích. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, nới thuế, giảm thủ tục, giảm thanh tra, kéo dài thời gian trả nợ... của Chính phủ hiện nay là rất hay và rất hiệu quả. 

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đánh giá cao hành động của Ngân hàng Nhà nước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, Thủ tướng đánh giá trong 2 năm đầu năm, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhìn chung kinh tế, xã hội của nước ta ổn định và có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức hợp lý. 

“Ổn định vĩ mô vẫn là cái then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Chúng ta chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới, khu vực để không bị động, bất ngờ", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 11 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, trong đó bao gồm phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước để ổn định lãi suất, tỉ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu, để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Do đó, mọi quyết định liên quan tới chính sách tiền tệ trong thời điểm "nhạy cảm" này đều có thể tác động trực tiếp đến tâm lý thị trường. Có những quyết định có thể khiến thị trường hồi phục và cũng có những quyết định có thể làm bùng lên những nỗi sợ hãi. 

Nhật My

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/ngan-hang-nha-nuoc-giam-manh-lai-suat-nham-ung-pho-suy-thoai-kinh-te-a348.html