Ngày 1/7 Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh đã bổ nhiệm ông Bùi Ngọc Đức giữ vị trí Tổng giám đốc, thay cho ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn đã kiêm nhiệm vị trí này suốt gần 18 năm qua. Ông Bùi Ngọc Đức (sinh năm 1976), có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, quản trị doanh nghiệp và bắt đầu với vị trí là Giám đốc khối Triển khai dự án Đất Xanh từ năm 2014, sau đó đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc.
Chủ tịch Đất Xanh Lương Trí Thìn đánh giá việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới vừa là cơ hội, cũng là thách thức để ông Bùi Ngọc Đức có thể hoàn thành các mục tiêu mà Hội đồng quản trị đặt ra trong 5-10 năm tới, đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức, dẫn dắt, xây dựng đội ngũ nhân sự…
Năm 2019 khép lại với doanh thu thuần của Tập đoàn Đất Xanh tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.814 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ 3% lên 1.217 tỉ đồng. Song dòng tiền thuần trong năm của Đất Xanh đã “bốc hơi” tới 365 tỉ đồng. Trong đó, riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.800 tỉ đồng.
Hàng loạt dự án đầu tư dở dang như: Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident, Opal Skyline, La maison… khiến tỉ lệ hàng tồn kho của Đất Xanh tăng 47%, giá trị tồn kho tăng vọt lên tới 6.791 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Đất Xanh vượt mốc 19.880 tỉ đồng, tăng 45% so với đầu năm.
Tổng nợ phải trả tăng mạnh 41% lên hơn 10.652 tỉ đồng, vượt cả vốn chủ sở hữu công ty. Trong đó, chiếm hơn 70% là nợ ngắn hạn, tương ứng 7.276 tỉ đồng, cho thấy áp lực trả gánh nợ là rất lớn. Trong năm qua, Đất Xanh đã gia tăng quy mô vay nợ thêm 1.534 tỉ đồng, dư nợ cuối năm còn gần 4.400 tỉ đồng.
Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong các tháng đầu năm càng tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Việc mở bán dự án gặp khó, bị trì hoãn, tiêu thụ sụt giảm… nên trong quý 1, doanh thu thuần chỉ đạt gần 602 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của Đất Xanh đạt 93,7 tỉ đồng, giảm 78,03% so với cùng kỳ năm 2019. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn bị âm gần 26 tỉ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.484 tỉ đồng.
Hàng loạt vi phạm xây dựng, huy động vốn trái phép
Trong hai năm 2018-2019, Tập đoàn Đất Xanh là đơn vị dính nhiều “lùm xùm” nhất trong làng bất động sản tại TP.HCM, chủ yếu là các sai phạm về: quản lý dự án, huy động vốn trái phép, “hô biến” đất công, chậm trả sổ đỏ cho khách hàng…
Tai tiếng nhất là dự án Opal Garden tại địa chỉ đường số 20, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Năm 2016, Tập đoàn Đất Xanh đã mở bán nhà khi chưa đủ điều kiện kinh doanh dự án lách dưới hình thức “đặt cọc giữ chỗ” với số tiền 50 triệu đồng.
Đáng chú ý, ở thời điểm đó, khách hàng muốn mua căn hộ dự án Opal Garden còn phải trả một khoản tiền chênh lệch nằm ngoài hợp đồng lên tới 200 triệu đồng, do chủ đầu tư thông báo đã bán hết căn hộ.
Đến đầu năm 2018, nhiều nhà thầu phụ và công nhân đã tụ tập, treo băng rôn phản đối trước công trình do chưa được trả lương, chưa chốt được những hạng mục dang dở. Sự việc này khiến lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh phải điều động lực lượng đến giữ trật tự, đồng thời báo cáo UBND quận và Công an quận Thủ Đức để phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đất Xanh còn gây chú ý ở các thương vụ mua đất công với giá bèo, hưởng chênh lệch giá trị thị trường hàng trăm tỉ đồng trong quá khứ. Đơn cử Tập đoàn Đất Xanh đã nhận chuyển nhượng khu đất 9.125m2 tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM từ Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM (có 51% vốn nhà nước) để xây dự án Lux Garden không đúng trình tự phê duyệt. Trong khi khái toán dự án có tổng mức đầu tư là 974 tỉ đồng thì Tập đoàn Đất Xanh chỉ phải mua với giá 102 tỉ đồng.
Ngày 5/7/2019, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 7059/VP gửi Công an TP, Thanh tra TP, các sở, ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin việc chuyển nhượng 9.125m2 đất này không thông qua đấu giá, có dấu hiệu bán đất công của Nhà nước với giá rẻ.
Trong hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Đất Xanh cũng tung nhiều chiêu bán nhà không giống ai. Năm 2018, chủ đầu tư từng rao bán dự án Gem Riverside dưới hình thức “giới thiệu dự án” khi bắt tay với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Khang Hưng phân phối.
Được biết, hơn 98% số căn hộ dự án Gem Riverside được bán chót lọt cho khách hàng dưới hình thức hợp đồng “thoả thuận tư vấn bất động sản”. Song đến nay, công trường dự án Gem Riverside vẫn chỉ là bãi đất trống, không hề có dấu hiệu thi công xây dựng.
Qua kiểm tra, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đến nay Sở chưa tiếp nhận và chưa giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán, thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh. Đồng nghĩa, chủ đầu tư dự án Gem Riverside hoàn toàn không có khả năng ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng, dẫn tới nguy cơ rủi ro tranh chấp pháp lý.
Cho nên, việc Tập đoàn Đất Xanh thay Tổng giám đốc mới liệu có giúp cải tổ lại hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật, thi công hoàn thành hàng chục dự án dở dang, giúp hàng nghìn khách hàng sớm được nhận sổ đỏ hay không? Nhiều năm qua, công ty dính hàng loạt những sai phạm xây dựng, huy động vốn trái phép, gây bức xúc cho khách hàng, song vẫn liên tục “ẵm” nhiều giải thưởng về bất động sản.
Bích Thủy
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/dat-xanh-thay-tong-giam-doc-co-xoa-vet-den-vi-pham-phap-luat-a2526.html