Phục hồi hàng không là ‘chìa khóa’ thúc đẩy phát triển du lịch

10/06/2022 17:30

Phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Đây cũng là cơ hội cho các hãng hàng không mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách.

Sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022

Tại Diễn đàn "Phát triển đường bay châu Á 2022" vừa diễn ra tại Đà Nẵng, các chuyên gia dự báo, với đà phục hồi mạnh mẽ các chuyến bay thương mại hậu Covid-19, hoạt động hàng không Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường vào năm 2024.

Với việc Chính phủ dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt 70-80 triệu lượt khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam; trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự báo sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch Covid-19.

Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo sự hồi phục sẽ đến sớm. Theo đó, so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025. Thị trường Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.

Đối với Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách vào năm 2019, giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách vào năm 2020, giảm mạnh vào năm 2021 khi chỉ đạt 30,3 triệu hành khách.

null
Phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. (Ảnh minh họa).

Trong đó, với thị trường Đà Nẵng, tới thời điểm hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch Covid-19 với trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột. Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay kết nối Đà Nẵng với Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc) và đầu tháng 7/2022 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản). Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.

“Có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi và phát triển của du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây chính là cơ hội để các hãng hàng không khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế”, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.

Theo đó, phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Để kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường, ngành hàng không Việt Nam đã triển khai nhiều dự án nâng cấp hạ tầng. Trong đó quan trọng nhất là dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. 

Đây cũng là cơ hội cho các hãng hàng không mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách. 

Tiềm năng lớn ở thị trường hàng không, du lịch nội địa

Với xu hướng phục hồi tích cực của thị trường và triển vọng kinh tế toàn cầu, dự báo thị trường hàng không nước ta trong năm nay và sang năm 2023 sẽ có những phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn tiềm ẩn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát trên thế giới. Bên cạnh việc khôi phục hoạt động kinh doanh, việc củng cố “sức khỏe” tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước là rất cần thiết, là tiền đề để để đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, bên cạnh khó khăn, có không ít cơ hội đối với ngành hàng không, như: Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ... 

Mặt khác, Việt Nam có tiềm năng to lớn ở thị trường hàng không, du lịch nội địa. Tại những giai đoạn dịch bệnh được khống chế tạm thời, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tương đương, thậm chí còn tăng trưởng cao hơn cả năm 2019, như giai đoạn hè năm 2020 hay nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2021.

Trong khó khăn chung, ngành hàng không Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để sớm trở lại. Hiện cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về sự ổn định môi trường chính trị xã hội, phòng chống dịch bệnh, cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn đối với khách quốc tế, một nơi hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng không nội địa (thực hiện vào tháng 1/2022) cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so với cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4/2019.

Đại diện cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp khai thác 22 sân bay trong nước, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc ACV nhận định, Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á. 

Ở góc độ doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, đề xuất cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường quảng bá các điểm đến tại Việt Nam và kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày để hút khách quốc tế. Đồng thời, các sân bay cần hỗ trợ chi phí đậu đỗ, phí cất cánh, môi trường để chung tay hỗ trợ hoạt động hàng không vực dậy sau dịch, đưa Việt Nam thành điểm đến của thế giới.

Làm thế nào để khai thác chuyến bay ít tác động tới môi trường?

Theo các chuyên gia, ngành hàng không gây nên lượng khí thải không nhỏ, chiếm 2% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Việc hạn chế di chuyển do dịch Covid 19 đã góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường. Một nghiên cứu khảo sát đối với các hành khách tham gia các chuyến bay, 80% người tham gia khảo sát cho biết, họ sẵn sàng đóng góp vào quá trình giảm khí thải môi trường.

Tại Tọa đàm về Phát triển mạng lưới bay diễn ra vào sáng ngày 7/6, một số giải pháp cũng được các chuyên gia đưa ra để nhằm giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường. Trong đó, việc sử dụng nhiên liệu bền vững hơn nhằm giúp giảm 80% khí thải; Các tàu bay được thiết kế để sử dụng nhiên liệu một cách hiệu quả; Sử dụng các loại năng lượng bền vững như năng lượng điện để giúp giảm chi phí, giảm giá vé; Các giải pháp để hấp thụ khí CO2 ...

Lan Anh