'Nhà tôi 3 đời...': Làm sao phân biệt thuốc gia truyền thật sự và 'gia truyền nhận vơ'?

01/04/2021 15:05

Vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi ở Hà Nội đã tự mua thuốc nam "nhà tôi 3 đời..." về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt phải đi cấp cứu...

 

Nhiều người nguy kịch vì thuốc "nhà tôi 3 đời"

Thời gian gần đây, trên YouTube tràn lan quảng cáo của một số người tự xưng là "lương y" theo kiểu: "Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận, thoái hóa xương khớp, xuất tinh sớm, ung thư...".

Không ít người bức xúc trước những quảng cáo này. Một phụ huynh cho biết: "Tôi đang xem video trên YouTube thì tự nhiên có giọng nói thều thào như phim ma 'nhà tôi 3 đời chữa...'. Còn có người mặc áo tu hành, không biết thật hay giả khuyên người tiểu đường không được uống thuốc tây. Con tôi 2 tuổi đang xem hoạt hình thì tự nhiên quảng cáo chữa xuất tinh sớm... Tôi cảm thấy quảng cáo trên YouTube giờ quá độc hại".

"Trong đội 'nhà tôi 3 đời' ấy, một ngày đẹp giời mình bỗng phát hiện có ông bác hàng xóm ở quê, vốn ngày xưa là công nhân cơ khí, nay mặc áo blouse trắng muốt logo trường Y hết sức tiên phong đạo cốt ngồi quảng cáo thuốc 3 đời chữa bệnh. Chắc bác là đời đầu... ".

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - BV Bạch Mai

Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp vì cả tin vào những quảng cáo độc hại này mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Gần đây nhất, ngày 30/3, một cụ bà 73 tuổi được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu sau thời gian sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc điều trị viêm khớp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp kèm theo tổn thương gan và thận nặng. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân bằng thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận.

Trước đó không lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm, tuy nhiên lại không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về uống. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng bao gồm 1 gói là thuốc paracetamol, 1 gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu.

Một trường hợp khác, vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi ở Hà Nội đã tự mua thuốc nam trôi nổi về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt và phải cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

“Nhà tôi 3 đời...”: Làm sao phân biệt thuốc gia truyền thật sự và gia truyền nhận vơ? - Ảnh 2.
Các quảng cáo trên YouTube của một số người tự xưng là "lương y chữa bệnh".

Cần xóa bỏ ngay kiểu quảng cáo "Chữa không khỏi không lấy tiền"

Trao đổi với phóng viên, TTND. BS cao cấp Trần Văn Bản - Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam - cho rằng: Bấy lâu nay, người Việt vẫn sử dụng các kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường như: xông cảm, đau bụng, cảm cúm, kiết lỵ, tiêu chảy… Tuy nhiên, đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền. Nhiều người thường ngộ nhận, nhầm lẫn giữa kinh nghiệm dùng vị thuốc dân gian với bài thuốc gia truyền.

Bác sĩ Trần Văn Bản cho biết kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền chữa bệnh là rất khác nhau.

"Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền", ông Bản chỉ rõ. Vị chuyên gia này cũng khẳng định một số người tự xưng là lương y, có bài thuốc gia truyền 3 đời, 7 đời, thậm chí là mười mấy đời, nhưng trên thực tế, các bài thuốc này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, công nhận.

“Nhà tôi 3 đời...”: Làm sao phân biệt thuốc gia truyền thật sự và gia truyền nhận vơ? - Ảnh 3.
TTND. BS Cao cấp Trần Văn Bản – Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam.

Theo Quyết định số 039/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, "Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền" sẽ được Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người có đủ các điều kiện. Theo đó, "bài thuốc gia truyền" là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng ở trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận.

Hỏng gan, suy thận, nhiễm độc máu...: Hậu quả kinh khủng của "thuốc gia truyền nhà tôi 3 đời".

Theo ông Bản, không phải hội viên nào của Hội Đông Y cũng được phép hành nghề. Các lương y muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương mà lương y đó hoạt động. Người có bài thuốc gia truyền cũng phải xin cấp phép thì mới được thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh hoặc bán thuốc.

Ông Bản cũng nhận định các video quảng cáo phát trên YouTube là những quảng cáo tự phát, không chính thống. "Bà con không nên mua thuốc và sử dụng các loại thuốc rao bán trên YouTube để rồi tiền mất tật mạng", ông Bản khuyến cáo.

Theo ông Bản, hiện nay, một số quảng cáo dược phẩm trên nhiều kênh thông tin vẫn để dòng chữ: "Không chữa khỏi bệnh sẽ hoàn lại tiền" hay "Không chữa khỏi bệnh không lấy tiền". Trong các giấy phép cấp quảng cáo, không có mục nào cho phép để các dòng cam kết như vậy. "Đây là một trong những nội dung cần xóa bỏ ngay đối với quảng cáo các sản phẩm điều trị bệnh", ông Bản đề xuất.

"Thần thánh hóa quá mức, nực cười"

TS. Ngô Đức Phương (tác giả và đồng tác giả hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học về thực vật, hiện là Viện trưởng Viện Thuốc Nam, đồng thời đang giảng dạy tại Khoa Dược trường Đại Học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Việc tự xưng là lương y và quảng cáo bệnh gì cũng chữa khỏi, kể cả bệnh ung thư thật sự là một việc thần thánh hóa dược liệu quá mức và nực cười". 

“Nhà tôi 3 đời...”: Làm sao phân biệt thuốc gia truyền thật sự và gia truyền nhận vơ? - Ảnh 5.
TS. Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện Thuốc Nam.

Đơn cử như trong những video quảng cáo chữa bệnh xương khớp trên YouTube, người ta mạnh miệng cam kết "chữa dứt điểm 100%, không tái lại", nhưng TS. Phương cho biết xương khớp đã thoái hóa thì không thể chữa khỏi. Các bài thuốc nam chỉ có thể hỗ trợ giảm đau và hồi phục xương khớp ở một mức độ rất nhỏ. Điều quan trọng là vừa uống thuốc, vừa phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng, tập luyện thì mới có thể duy trì được hệ xương khớp không bị thoái hóa nhanh chóng chứ không thể chữa khỏi hay hồi phục được.

Theo TS. Phương, sử dụng cây thuốc không đơn giản như ăn rau hằng ngày và không thể tùy tiện. Chất lượng dược liệu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giống, thổ nhưỡng, khí hậu, quá trình chăm bón, canh tác, thu hái, sản xuất đạt tiêu chuẩn.

"Nếu người thầy thuốc không thực hiện đúng các khâu sơ chế làm sạch, loại bỏ độc tố ở một số loài cây, sẽ có nguy cơ ngộ độc dược liệu cho người bệnh. Việc phối bài thuốc rất quan trọng. Mỗi người với từng loại bệnh cụ thể sẽ có bài thuốc với các hàm lượng thuốc khác nhau mới đem lại hiệu quả cao. Không thể bốc thuốc theo kiểu cảm tính, bệnh nặng nắm to, bệnh nhẹ nắm nhỏ được", TS. Phương chia sẻ.

Văn Phòng Chính phủ vừa có có văn bản số 2154 do Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sỹ Hiệp ký ngày 30/3, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin "thần y" trên mạng xã hội. Văn bản nêu rõ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.

Thanh Loan