Ngăn ngừa việc đầu cơ, ‘thổi giá’ vật liệu trong xây dựng

04/04/2022 11:23

Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, giá vật liệu xây dựng biến động mạnh đang gây ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư công, hoặc hợp tác đầu tư công. Nhất là dự án quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nâng cao chất lượng dự báo cung cầu vật liệu xây dựng

Theo Bộ Xây dựng, trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế biến động tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng.

Bên cạnh đó, nhiều danh mục đơn giá vật liệu do sở xây dựng địa phương công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án” - Bộ Xây dựng cảnh báo.

Trước thực trạng đó, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp, dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ngăn ngừa việc đầu cơ, tăng giá vật liệu xây dựng.

Theo đó Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu địa phương nâng cao chất lượng dự báo cung cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn, đặc biệt khả năng cân đối cung cầu các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn trong năm 2022, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tránh tình trạng lợi dụng thiếu hụt nguồn cung để đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Ngăn ngừa việc đầu cơ, ‘thổi giá’ vật liệu trong xây dựng - Ảnh 1 Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình và thị trường bất động sản.

Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết giá vật liệu xây dựng biến động mạnh đang gây ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư công, hoặc hợp tác đầu tư công. Nhất là dự án quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025. 

“Trong đó các quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn” - Bộ trưởng Xây dựng cho hay.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Xây dựng đã đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành về vấn đề quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng trong các công trình xây dựng hiện nay để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Giá thép tăng do bão giá vật liệu, doanh nghiệp thua lỗ

Theo thống kê của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022 các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, cát, đá, nhôm, kính… liên tục tăng giá mạnh. Đặc biệt là thép xây dựng đã tăng giá 7 lần chỉ trong 3 tháng đầu năm với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn (tăng gần 20%)…

Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã được điều chỉnh tăng đến 3 đợt với tổng mức tăng từ 1,4 đến 1,6 triệu đồng/tấn. 

Theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua, không chỉ sắt thép tăng đến 40% mà gần như tất cả loại vật liệu xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”. Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. Trong tình trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó tìm việc, nhưng lại không dám nhận việc vì lo đối phó với tình trạng "bão giá” vật liệu xây dựng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhiều vật liệu xây dựng tăng giá mạnh là do nhu cầu về xây dựng tăng cao sau Tết. Nhu cầu về vật liệu xây dựng càng tăng cao khi nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2022 như dự án sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến vành đai khác.

Theo ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex - nhà thầu thi công gói thầu số 4 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thời điểm ký hợp đồng giá thép chỉ 11.531 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay, giá thép đã tăng gần gấp đôi, nhà thầu phải mua đến 20.438 đồng/kg.

Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings Trần Hồng Phúc cho biết, đối với những công trình dân dụng và công nghiệp xây thô hoàn thiện mặt ngoài, giá thép chiếm khoảng 25 - 30% giá thành. Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng tới 30%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến biên lợi nhuận do chi phí quản lý chiếm tối đa 10% giá trị công trình, mà riêng giá thép ngốn tới 9% lợi nhuận. Do đó một số công trình của doanh nghiệp đang chịu lỗ khi không đàm phán được với chủ đầu tư để điều chỉnh giá.

Một yếu tố khác cũng tác động lên lĩnh vực vật liệu xây dựng là xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng.

“Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các nhà thầu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 nói chung và Vinaconex nói riêng phải căng mình ứng phó. Chênh lệch ở thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và hiện nay đã lên tới hơn 47 tỷ đồng” - ông Tới chia sẻ.

Có thể thấy, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình và thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động xây dựng, đặc biệt là việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết.

Một số liệu khác từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong năm 2021, trên tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng chỉ có một số ít đạt doanh thu từ 75 – 80% kế hoạch, số còn lại bị giảm ít nhất 50% doanh thu hoặc chỉ đạt từ 10 – 20% kế hoạch. Những con số thống kê đã chỉ ra rõ khó khăn của doanh nghiệp xây dựng, cùng với đó phải gồng gánh các khoản nợ do phụ thuộc vào khả năng thanh toán của chủ đầu tư... 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12-16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng 1-1,5%. Sắp tới, khi các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ngoài nỗ lực của các nhà thầu, nếu các cơ quan chức năng có thêm những giải pháp hỗ trợ sẽ giúp các dự án thi công đúng tiến độ, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. 

Hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thiết yếu như thép đang là nguyên nhân đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì làm tiếp sẽ lỗ, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án "đắp chiếu". Vì vậy, áp lực này đang buộc các nhà thầu xây dựng phải tìm cách đưa thêm các công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động "lấy chỗ nọ, đắp chỗ kia" để bù đắp vào phần nguyên vật liệu tăng cao. 

Lan Anh