Phú Thọ: Nhà máy gạch Hà Bích hoạt động gây ô nhiễm môi trường

13/06/2022 09:53

Người dân xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) thông tin nhà máy gạch Hà Bích khai thác khoáng sản và hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian gần đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân Khu 5 Đoài Trong, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) về việc nhà máy gạch Hà Bích hoạt động trên địa bàn khai thác đất gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đường liên xã, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

null
Đường xá của người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động của doanh nghiệp.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Phóng viên (PV) đã có mặt để xác minh thông tin. Qua ghi nhận hiện trạng thực tế cho thấy người dân phản ánh hoàn toàn có cơ sở, bởi khu vực nhà máy gạch hoạt động xuất hiện một khoảng đất rộng hàng nghìn mét vuông bị khai thác khoét sâu trừng hơn 20m, cùng với đó là con đường liên xã bị chia cắt bởi việc khai thác đất gây sụt lún, bùn đất nhão nhoét. Việc khai thác đất trên đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Hà Bích gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân địa phương.

Chia sẻ với PV, anh N.V.M  (khu 5 Đoài Trong) bức xúc: "Ở đây có hai đơn vị sản xuất gạch hoạt động từ những năm 2005-2006. Chừng vài năm trước họ mua lại ruộng của dân và khai thác đất để phục vụ cho việc sản xuất gạch, điều đang nói đó là nhà máy gạch Hà Bích không xin phép khai thác đất nhưng vẫn làm và để ảnh hưởng như hiện tại".

Cũng theo anh M., việc khai thác đất trái phép của nhà máy gạch Hà Bích mặc dù đã diễn ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, gây ô nhiễm môi trường nhưng chính quyền các cấp của huyện Cẩm Khê vẫn chưa có biện pháp xử lý, để doanh nghiệp hoạt động khiến cuộc sống của dân đã khổ này còn khổ hơn.

pt1-1655088354.jpg
 Việc khai thác đất không có cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn, dễ gây nguy hiểm cho người dân.

Cùng chung nỗi bức xúc đó, một người dân khác nói: “Họ đào đất mang về sản xuất gạch, khoét sâu không có biện pháp đảm bảo cho người dân, nếu không may có cháu bé nào bị ngã xuống cái hố đấy ảnh hưởng tới tính mạng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tài nguyên khai thác về để kiếm lời thì họ hưởng, nhưng ô nhiễm môi trưởng, đường xá hỏng thì dân lại chịu liệu có được hay không? Tại sao chính quyền lại "làm ngơ" cho doanh nghiệp làm sai, bất chấp các quy định của pháp luật? Chúng tôi cần sự lên tiếng của chính quyền huyện Cẩm Khê xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có) của nhà máy gạch Hà Bích".

Để làm rõ nội dung trên, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Vũ Xuân Trịnh - Chủ tịch UBND xã Phú Khê. Qua trao đổi ông Trịnh thừa nhận có tình trạng khai thác đất của nhà máy gạch tại khu 5 Đoài Trong để phục vụ cho công tác sản xuất gạch. Trong quá trình khai thác đất có ảnh hưởng đến môi trường và làm sụt lún tuyến đường liên xã nhưng chưa được khắc phục, phía xã đã vào hai đơn vị sản xuất gạch lập biên bản yêu cầu phải khắc phục sớm, tuy nhiên đến nay những đơn vị liên quan vẫn chưa làm, xã sẽ có biện pháp xử lý sớm.

Hỏi về việc nhà máy gạch Hà Bích khai thác đất có được cấp phép hay không? Ông Trịnh cho biết: "Tôi cũng mới về xã Phú Khê được vài tháng và chỉ biết hai đơn vị này mua ruộng của dân sau đó khai thác đất để làm gạch, còn lại giấy phép khai thác có hay không tôi không nắm bắt được. Tôi sẽ kiểm tra lại và thông tin cho báo chí sớm nhất".

pt2-1655088359.jpg
 Việc mua bán đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất gạch nếu có là chưa đúng các quy định hiện hành.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường cũng đã liên hệ với các cơ quan chức năng huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Mạnh Huyền