Nhà Đại An - Saigon Tourist 'ôm' đất vàng 12 năm: Lãng phí tài nguyên đất?

13/06/2022 10:22

Khu căn hộ số 101 Bình Quới, quận Bình Thạnh có tên gọi khác là Đại An Saigon Riverside được phê duyệt đầu tư dự án từ năm 2010, đến năm 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn là đất cỏ mọc, gây lãng phí tài nguyên đất nhưng không bị thu hồi.

Chậm tiến độ 7 năm, lãng phí tài nguyên, bị phản ánh ô nhiễm môi trường

Trong tháng 5/2022, UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt một số doanh nghiệp bất động sản với những lỗi vi phạm khác nhau. Trong đó đáng chú ý, Công ty TNHH Phát triển nhà Đại An - Saigontourist bị xử phạt 500 triệu đồng vì chậm tiến độ đầu tư xây dựng dự án Đại An Saigon Riverside .

Được biết, Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2/2008. Đây là doanh nghiệp liên danh giữa Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và và một đơn vị nước ngoài có tên Tập đoàn Shih Da Quốc tế.

Khu đất xây dựng dự án Đại An Saigon Riverside rộng 2,9ha, nằm giữa quần thể KĐT phía Nam Sài Gòn. Năm 2010, dự án đã được Sở Xây dựng phê duyệt đầu tư khu căn hộ, theo tiến độ tháng 3/2015 phải hoàn thành.

Nhà Đại An - Saigon Tourist 'ôm' đất vàng 12 năm: Lãng phí tài nguyên đất? - Ảnh 1 Khu đất giao cho Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist làm dự án bị bỏ hoang hoá nhiều năm nhưng chưa bị thu hồi.

Tháng 8/2010, Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist tổ chức lễ khởi công dự án nhưng sau đó không tiếp tục triển khai, để mọi quảng cáo hoa mỹ về một khu chung cư gần gũi với thiên nhiên, mang lại đời sống trong lành cho người dân đi vào dĩ vãng.

Đến nay đã quá hạn 7 năm, khu đất xây dựng dự án Đại An Saigon Riverside là bãi đất cỏ mọc um tùm, gây xấu đi bộ mặt đô thị TP.HCM nói chung và KĐT phía Nam Sài Gòn nói riêng. Theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường vào đầu tháng 6/2022, cả khu đất rộng 2.9 ha tại số 101 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh có một ngôi nhà nhỏ giáp đường chính đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, một phần khu đất đang là nơi tập kết rác thải sinh hoạt không theo bất cứ tiêu chuẩn nào để bảo vệ môi trường. Nước rác rỉ ra, bốc mùi xú uế cả khu vực rộng lớn xung quanh. Những người dân ở đây cho biết, hàng ngày có cả chục lượt xe chở rác thải ra, vào khu vực này khiến cho nước rỉ rác tràn cả ra đường.

Xung quanh mặt tiền đường Bình Qưới của dự án vương vãi rác thải dù UBND phường 27 đã căng băng rôn cảnh báo xử phạt hành vi xả rác. "Lúc nào đi qua chỗ này ai cũng phải bịt mũi mà đi. Mưa thì nước đen chảy từ bãi rác ra đường, Nắng thì bốc mùi hôi xộc vào nhà, không biết khi nào mới chấm dứt cảnh này", người dân khu chung cư Thanh Đa đối diện dự án Đại An Saigon Riverside cho biết.

Nhà Đại An - Saigon Tourist 'ôm' đất vàng 12 năm: Lãng phí tài nguyên đất? - Ảnh 2

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói: Những năm qua Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đã thu hồi các dự án chậm triển khai. Chính phủ cũng đã thành lập ban chỉ đạo về vấn đề này. Đã có hàng nghìn dự án ở các địa phương khác đang có liên quan đến kết luận thanh tra do vi phạm, nhưng trên thực tế chưa giải quyết được.Cũng có nguyên nhân do đầu cơ, doanh nghiệp một lúc nhận nhiều dự án, khu công nghiệp, nhưng năng lực còn hạn chế, nên không triển khai được.

Điều khiến người dân khó hiểu là khu đất này mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, ẩn chứa nhiều vấn đề nguy hại đến môi trường, sức khoẻ con người nhưng nhiều năm qua bỏ hoang, cỏ mọc mà không chịu triển khai mặc dù đã được quy hoạch làm dự án từ rất lâu. "Người thì không có nhà mà ở, trong khi đất lại bỏ hoang cho cỏ mọc, lãng phí tài nguyên đất. Tại sao không thu hồi dự án, thu hồi đất để đấu giá, giao cho một đơn vị khác có đủ năng lực để triển khai thực hiện?", một người dân sống cạnh khu đất 101 Bình Quới than!

Theo tìm hiểu của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, thời gian gần đây trên nhiều trang điện tử xuất hiện thông tin quảng cáo về một dự án của doanh nghiệp chuyên làm bất động sản hạng sang tại TP.HCM có địa chỉ và diện tích trùng với dự án Đại An Saigon Riverside.

Điều đó khiến nhiều người đặt ra nghi vấn, liệu Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist đã chuyển nhượng dự án Đại An Saigon Riverside cho một đơn vị khác hay không?

Sao lại xử phạt mà không thu hồi?

Tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định rõ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Nhà Đại An - Saigon Tourist 'ôm' đất vàng 12 năm: Lãng phí tài nguyên đất? - Ảnh 3 Bãi tập kết rác thải bên trong khu đất giao cho Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist nhưng suốt 12 năm không chịu triển khai.

Chiếu theo quy định trên, nếu tính cả thời gian Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist được gia hạn sử dụng đất làm dự án Đại An Saigon Riverside thêm 24 tháng thì đến tháng 3/2017 dự án phải hoàn thành. Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Nhưng đến nay, Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist đã chậm đưa khu đất 101 Bình Quới vào sử dụng hơn 5 năm (tính cả thời gian 24 tháng được phép gia hạn sử dụng đất) nhưng UBND TP.HCM chỉ xử phạt doanh nghiệp số tiền 500 triệu đồng mà không thu hồi dự án, thu hồi đất theo quy định?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, việc chủ đầu tư “ôm đất” trong nhiều năm, khiến tiền vốn bị đọng lại, doanh nghiệp không thu được gì thì đến khi dự án được hình thành, chủ đầu tư sẽ tính vào chi phí giá thành, dẫn đến giá bất động sản bị đẩy lên cao, người mua nhà bị thiệt hại.

“Đối với các doanh nghiệp 'ôm đất' mà không sử dụng, nếu chỉ phạt hành chính thì không đáng là bao. Cho nên các doanh nghiệp này không chịu tác động nào ngoài tác động không có lãi suất. Sau này nếu thực hiện dự án, họ trừ vào khoản lợi có được từ việc đất lên giá hoặc tính vào giá thành sản phẩm bất động sản. Chính vì vậy, nếu 'ôm' được thì các doanh nghiệp cứ 'ôm đất' mãi thôi”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, thực trạng “ôm đất” không triển khai là một trong những lãng phí tài nguyên xã hội nhất, trong khi các doanh nghiệp khác thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Những chủ đầu tư “ôm đất”, xí phần này đã tước đi cơ hội phát triển dự án của nhiều nhà đầu tư có năng lực, tước đi cơ hội được sở hữu nhà ở chất lượng, giá cả phải chăng của người dân.

Nhà Đại An - Saigon Tourist 'ôm' đất vàng 12 năm: Lãng phí tài nguyên đất? - Ảnh 4 Mặt tiền khu đất 101 Bình Quới, quận Bình Thạnh giao cho Công ty TNHH Phát triển Nhà Đại An - Saigontourist đang góp phần làm xấu đi bộ mặt đô thị TP.HCM.

Chưa kể, việc “ôm đất”, đầu cơ đất còn gây ra rủi ro trên thị trường bất động sản nếu chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng nhưng chây ì thực hiện dự án theo quy hoạch. Điều này dẫn đến khiếu kiện kéo dài, việc xử lý sai phạm sau này lại càng khó khăn. Mặt khác, khi các dự án chậm trễ hoặc không triển khai nhiều năm, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch cũng bị “treo” theo dự án, tạo ra bức tranh nham nhở trong quá trình phát triển đô thị của thành phố.

Thêm một ngày đất đai bị bỏ hoang là thêm một ngày nguồn lực phát triển bị “giam lỏng”, đằng sau đó là nhiều hệ lụy mà càng để lâu càng khó tháo gỡ. Do đó, việc có những động thái quyết liệt trong rà soát, xem xét và đưa ra hướng xử lý phù hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án được đánh giá là giải pháp cứu cánh cho tương lai của đô thị.

“Chỉ nên giao đất cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định và thống nhất rõ ràng, nếu chủ đầu tư không thực thi dự án trong khoảng thời gian đó thì sẽ thu hồi lại, giao cho nhà đầu tư khác. Và việc thu hồi cũng cần quyết liệt, phải thu hồi bằng được, không để tình trạng chủ đầu tư xin gia hạn từ năm này qua năm khác”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, chiều ngày 2/6/2022, tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, bà Phạm Thuý Chinh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” , và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực… và cho biết Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hằng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Việt Hưng