Giá xăng dầu hôm nay 16/3: Giảm mạnh, còn giảm tiếp?

16/03/2022 10:33

Đỏ sàn ngày thứ ba liên tiếp của tuần giao dịch mới, dầu thô ngày càng trượt dài khỏi mốc 100 USD/thùng, dần trở về với mức trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giá xăng dầu thế giới

Thông tin từ oilprice cho biết, lúc 6 giờ 20 phút ngày 16/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 4 được giao dịch ở mức 95,69 USD/thùng, giảm 0,75 USD, tương đương 0,78%.

Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 5 “neo” ở mức 99,91 USD/thùng.

Dầu ghi nhận mức lỗ nặng ngày 15/3 do rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý, trong đó có các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, khả năng giảm nhu cầu của Trung Quốc và ngừng giao dịch trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất dự kiến vào hôm nay 16/3, theo CNBC.

Cả hai mặt hàng dầu thô WTI và Brent đều đã trượt xuống dưới mốc 100 USD/thùng, ngày càng xa so với mức “đỉnh” hơn 130 và gần 140 USD/thùng mà WTI và Brent lần lượt đạt được hơn 1 tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, WTI dừng ở mức 96,44 USD/thùng, mất 6,38%. Nhưng đây không phải là mức giá thấp nhất của mặt hàng này trong phiên giao dịch. Đã có thời điểm trong ngày, dầu WTI được giao dịch ở mức  93,53 USD/thùng.

Dầu Brent cũng đã giảm 6,54% xuống 99,91 USD/thùng, sau khi giao dịch ở mức thấp nhất là 97,44 USD/thùng.

Trước đó 1 ngày, WTI và Brent giảm lần lượt là 5,78% và 5,12%.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết, “có vẻ như câu ngạn ngữ cũ rằng cách chữa trị tốt nhất cho giá cao chính là giá cao vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, đồng thời lưu ý giá cao nói trên chính là giá dầu.

Thực tế là giá dầu đã lần đầu tiên “leo dốc” lên hơn 100 USD/thùng trong nhiều năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giá dầu đã tiếp đà chinh phục “đỉnh” khi xung đột địa chính trị ở Đông Âu leo thang.

Giá xăng dầu hôm nay 16/3: Giảm mạnh, còn giảm tiếp? - Ảnh 1Giá dầu sẽ còn giảm "sốc"? Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu đã tăng “sốc” tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần trước, với WTI “chạm 130,50 USD/thùng và Brent xác lập lỷ lục 139,26 USD/thùng. Giá “vàng đen” tăng do các thương nhân lo ngại rằng xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ bị gián đoạn. Cho đến nay, mới có Mỹ và Canada cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ nước này. Các quốc gia khác ở châu Âu, vốn phụ thuộc vào dầu khí của Nga, đã không có động thái tương tự.

“Đó thực sự là một thị trường giao dịch hoàn toàn dựa trên nỗi sợ hãi,” Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth US, cho biết về mức tăng đột biến ban đầu cao hơn trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung. Rebecca Babin đánh giá giá dầu được giao dịch ở mức giảm như hiện nay là bởi “hy vọng rằng mọi thứ trên thị trường hàng hóa sẽ không tồi tệ như lo ngại ban đầu”. Bà cho biết thêm rằng: “Chúng tôi không có nhiều thông tin rõ ràng về những gì thực sự sẽ xảy ra với nguồn cung dầu thô trong tương lai do cuộc xung đột này (Nga-Ukraine)”.

Dù nhiều người mua đã “từ chối” dầu Nga nhưng sản lượng dầu của Nga thời gian qua vẫn tiếp tục tăng và nước này đang tìm kiếm người mua từ nhiều thị trường khác, trong đó có Ấn Độ.

Một diễn biến mới khiến giá dầu “trượt dốc” chính là động thái “phong tỏa” mới nhất của Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Quốc gia này là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì vậy bất kỳ sự sụt giảm nào về nhu cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.

Dầu đã biến động đặc biệt trong những phiên gần đây, dao động giữa lãi và lỗ theo mọi diễn biến địa chính trị mới.

Tamas Varga của công ty môi giới PVM đã tổng kết rằng “đó là mẹ của tất cả các đợt điều chỉnh hay thị trường đang ngày càng tự tin rằng sẽ tránh được cú sốc nguồn cung đáng kể?”.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16-3 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 28.985 đồng/lít;

Xăng RON 95 không quá 29.824 đồng/lít;

Dầu diesel không quá 25.268 đồng/lít;

Dầu hỏa không quá 23.918 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.987 đồng/kg.

Bùi Hằng (T/h)