Điện mặt trời mái nhà ‘núp bóng’ dự án nông nghiệp: EVN nói gì?

12/01/2021 13:00

Đại diện EVN cho biết, luôn nỗ lực cải cách hành chính để cắt giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân để có thể mua bán điện dễ dàng, thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp, cá nhân nào làm sai quy định thì phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến tình trạng trá hình dự án nông nghiệp làm điện mặt trời ở Tây Nguyên, theo VTCNews, mới đây, đại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực thành viên thực hiện rà soát, xác minh làm rõ và báo cáo tới các cơ quan quản lý tại địa phương các trường hợp “làm dự án nông nghiệp nhưng chỉ bán điện”.

Theo EVN, các công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khi đấu nối lưới điện trung áp phải tuân thủ các quy định về lưới điện phân phối, cũng như các quy định về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Chính phủ, Bộ Công Thương. Các đơn vị ngành điện không được yêu cầu các hồ sơ nằm ngoài các quy định được nêu ở trên.

Trong quá trình thực hiện, đối với các nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện rà soát, xác minh làm rõ và báo cáo tới các cơ quan quản lý tại địa phương và cơ quan báo chí ngay sau khi nhận được thông tin.

Nhiều dự án điện mặt trời mái nhà "núp bóng" trang trại để kinh doanh trục lợi. (Ảnh minh họa: Internet)

“Hiện nay, các ngành điện lực đang tiếp tục kiểm tra, rà soát tổng thể việc tuân thủ thực hiện việc thoả thuận, đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện tại các công ty điện lực”, đại diện EVN cho biết.

EVN cũng khẳng định luôn nỗ lực cải cách hành chính để cắt giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân để có thể mua bán điện dễ dàng, thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp, cá nhân nào làm sai quy định thì phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, báo chí liên tục phản ánh về tình trạng nhiều dự án điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk được triển khai ồ ạt, sử dụng đất sai mục đích, trá hình các khu nông nghiệp công nghệ cao để làm điện mặt trời.

Cụ thể, theo báo Dân trí, ngày 26/12/2020, một lãnh đạo UBND xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, hai dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN) không đúng quy định tại địa bàn vừa được yêu cầu dừng triển khai và UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hai chủ dự án này.

Theo vị lãnh đạo xã, dự án được yêu cầu ngừng triển khai của ông Bùi Chí Thiệp và ông Huỳnh Trọng Hải. "Hai dự án này có quy mô trên 1 ha và được hợp thức hóa là khu sản xuất rau công nghệ cao nhưng rau chưa có đã lợi dụng triển khai việc lắp pin năng lượng là trái quy định", vị lãnh đạo này cho hay.

Trước đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột phát hiện một số tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp tại xã Hòa Phú và xã Cư Êbur có nhiều sai phạm. Do đó, yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động của các trang trại nông nghiệp trên địa bàn, đình chỉ các hoạt động xây dựng trái phép.

Đồng thời, đề nghị Công ty Điện lực Đắk Lắk không đấu nối, ký kết hợp đồng mua, bán điện với cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục đầu trang trại nông nghiệp nhưng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái vi phạm về xây dựng và sử dụng đất sai mục đích.

Được biết, theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp phải được bộ Công thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh nhiều thủ tục liên quan và được hưởng giá bán điện cao.

Các dự án này đáp ứng đầy đủ thủ tục, nhu cầu trang trại nông nghiệp công nghệ cao nên chính quyền khó xử lý. (Ảnh: Dân trí)

Còn tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đang tiến hành việc lắp ĐMTMN. Điều đáng nói, bên trong dự án này là những khu vực treo những bịch nấm rơm nằm chất chồng lên nhau, không được chăm sóc đã bị mốc đen.

Ông Nguyễn Chí Linh - Cán bộ địa chính, xây dựng xã Ea Nuôl cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ĐMTMN (trong đó có 2 trang trại đã đấu nối).

Cũng theo ông Linh, các dự án này đáp ứng đầy đủ thủ tục, nhu cầu trang trại nông nghiệp công nghệ cao nên về quy định chính quyền không thể xử lý được. Hầu hết các trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ea Nuôl đều đứng tên hộ gia đình cá nhân và tất cả đều có dung lượng dưới 1 MWp.

Không chỉ tại Tây Nguyên, theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 19.810 dự án ĐMTMN với tổng công suất 541,66 MWp. So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31/12/2019, dễ nhận thấy đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực ĐMTMN.

Bên cạnh sự hưởng ứng của nhiều hộ gia đình khi lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để tự dùng, lĩnh vực ĐMTMN cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư với nguồn gốc khá đa dạng. Bởi vậy, việc có một hướng dẫn rõ ràng thế nào là ĐMTMN đang trở nên bức thiết. Thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy, việc lắp đặt ĐMTMN đã không còn dừng lại ở việc "tự sản tự tiêu", thừa mới bán cho EVN. Thay vào đó, ĐMTMN đã trở thành một hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Nhật Hạ