Dân vùng phong tỏa ở Hà Nội lo bị lây chéo khi đi xét nghiệm COVID-19: Chuyên gia nói gì?

24/11/2021 10:03

Mới đây, người dân sống quanh một khu vực phong toả ở Hà Nội đã chia sẻ những lo lắng về nguy cơ lây chéo khi tiến hành xét nghiệm để bóc tách F0.

Dân vùng phong tỏa ở Hà Nội lo bị lây chéo khi đi xét nghiệm COVID-19: Chuyên gia nói gì?

 

Nhằm phát hiện triệt để và bóc tách F0, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa và các khu vực liền kề vùng phong tỏa.

Điều này đã khiến cho người dân sống ở quanh khu vực này bức xúc vì họ lo lắng nguy cơ lây chéo khi tiến hành xét nghiệm để bóc tách F0.

Chị Trần D.M sống tại ngõ 84 Ngọc Khánh cho biết cả gia đình người thân của chị sống trong khu cách ly. Mỗi lần lấy mẫu gộp, người thân của chị lại 'thót tim' vì nếu mẫu gộp dương tính sẽ phải lấy lại mẫu đơn, cứ như thế kéo dài nhiều lần lấy mẫu.

Đặc biệt, một số người dân cho biết có trường hợp chỉ ở nhà không ra ngoài nhưng đã có kết quả dương tính sau nhiều lần lấy mẫu. Vì vậy, nhiều người sợ phải đi lấy mẫu.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nếu đã chấp nhận sống chung với virus thì không thể bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng. Hơn nữa, chuyên gia cho rằng tỷ lệ dân số tiêm vắc xin đủ 2 mũi ở Hà Nội đã cao nên không cần phong toả cả ngõ, cả phố mà chỉ cần phong toả trong hộ gia đình.

Chuyên gia nói hộ gia đình nào có ca mắc thì xét nghiệm hộ gia đình đó. Ngoài ra, khi xét nghiệm thì chỉ xét nghiệm cho người có triệu chứng, F1… không cần xét nghiệm mở rộng để cố bóc F0 ra khỏi cộng đồng bởi không thể bóc được khi virus đã ngấm sâu.

Thực tế, số ca bệnh mắc trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Đến thời điểm này, việc truy vết tìm nguồn lây và xét nghiệm mở rộng không còn phù hợp, theo chuyên gia.

PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM - cũng cho biết hiện tại không cần xét nghiệm bóc F0.

Tuy nhiên, người dân hiện tại giờ không nên lo lắng vì ở Hà Nội tỷ lệ tiêm chủng đã cao, khả năng lây nhiễm trong khi lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng sẽ thấp hơn. Kịch bản lây nhiễm như ở TP.HCM trước đó sẽ không xảy ra.

Với dịch bệnh hiện tại, PGS Dũng cho rằng Hà Nội cũng không nên phí nhân lực đi xét nghiệm mở rộng vì không thể bóc F0.

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, tỷ lệ ca mắc so với số dân hiện nay cho thấy Hà Nội đang ở cấp độ 2, con số đó không đáng lo ngại, thành phố vẫn đang kiểm soát tốt. Với thực tế diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội, khả năng loại bỏ hoàn toàn F0 là rất khó, vì mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng.

Có hai nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm trong khu vực phong tỏa, đó là việc người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ tốt việc giãn cách, phòng chống dịch và việc xét nghiệm không đúng quy trình.

Chia sẻ về nguy cơ lây nhiễm do xét nghiệm không đúng quy trình, ông Hùng cho biết khi lấy mẫu dịch hầu họng, nếu nhân viên y tế dùng 1 đôi găng, không khử khuẩn găng tay sau mỗi lần lấy mẫu, có thể gây ô nhiễm găng tay, đây có thể là nguồn lây khi tiếp xúc với người lấy mẫu tiếp theo.

 

Ngọc Anh