“Dân chơi tháo chạy”, đại gia người Quảng Ngãi cũng bị thổi bay hơn 830 tỷ đồng

20/09/2022 09:14

Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần, khối tài sản của đại gia 52 tuổi người Quảng Ngãi này cũng bị "thổi bay" hơn 830 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch ngày 19/9 với những biến động mạnh khi VN-Index kết phiên rơi 28,6 điểm (-2,32%) còn 1.205,43 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7 đến nay. HNX-Index cũng ghi nhận tình trạng bán tháo dữ dội khi mất 8,63 điểm (-3,16%) về 264,25 điểm. UPCoM-Index rơi 1,25% còn 88,34 điểm.

Trong ngày “dân chơi tháo chạy”, thanh khoản thị trường có sự gia tăng với tổng giá trị giao dịch tăng 9% lên mức 19.412 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE nhích nhẹ 2% đạt 14.891 tỷ đồng.

Cùng với đà giảm mạnh của chỉ số VN-Index, khối tài sản của đại gia Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) cũng giảm mạnh cùng đà giảm của cổ phiếu nắm giữ.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 19/9, PDR ghi nhận mức giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 4,67%. Với mức giảm này, PDR cũng là một trong những mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30.

Đà giảm của PDR trong phiên giao dịch ngày đầu tuần khiến khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt bị “thổi bay” hơn 830 tỷ đồng. Chủ tịch PDR trở thành đại gia ghi nhận mức giảm tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 19/9.

Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, khối tài sản đại gia 52 tuổi người Quảng Ngãi đang trực tiếp nắm giữ chỉ còn giá trị gần 16.940 tỷ đồng.  

nvd-1663639342.jpg
Khối tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt giảm mạnh cùng đà giảm của chỉ số VN-Index phiên giao dịch ngày 19/9.

Trong khi đó, sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo, chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục suy yếu. Với áp lực bán hiện tại, VN-Index có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.175-1.200 điểm, đi vào vùng quá bán ngắn hạn trong 01-02 phiên tới và có thể phục hồi trở lại.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện tốt hơn mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Tương tự, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 20/9, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.190-1.200 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.170-1.180 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá nhịp giảm của thị trường tạm thời được kiềm hãm cuối phiên giao dịch 19/9, thể hiện qua bóng nến dưới, khi VN-Index lùi về gần vùng hỗ trợ 1.190-1.200 điểm. Theo VDSC, hiện tại, vùng này có thể vẫn có tác dụng hỗ trợ và giúp thị trường hồi phục kỹ thuật, với vùng cản 1.220-1.230 điểm, để kiểm tra lại cán cân cung cầu.

Tuy nhiên, VDSC nhận định vẫn cần lưu ý xu thế chung của thị trường còn kém và chưa có tín hiệu hỗ trợ đáng tin cậy. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát tín hiệu dòng tiền hỗ trợ. Tạm thời vẫn nên tận dụng nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro và giữ tỷ trọng danh mục ở an toàn cho đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ hoặc tích lũy đáng tin cậy.

Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục trong phiên giao dịch ngày 20/9 và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.200-1.213 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, nhưng mức 1.200 điểm được xem là mức hỗ trợ mạnh cho nên Yuanta Việt Nam kỳ vọng thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục bi quan với xu hướng hiện tại và thị trường vẫn chưa tìm được vùng cân bằng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp ở mức 30-35% danh mục.

Hoàng Nam