Cần xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại thay vì chôn lấp

04/06/2022 10:22

ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh, chúng ta cần tăng cường triển khai áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần các biện pháp chôn lấp rác thải.

Mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021, Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hải Phòng bày tỏ thống nhất với 12 nhóm giải pháp về kinh tế- xã hội mà Chính phủ đề xuất.

Để góp phần tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đặc biệt quan tâm tới cơ chế, chính sách xử lý chất thải sinh hoạt đô thị.

null Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân.

Vị ĐBQH cho biết, hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%.

Theo dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm từ 10 -16 %, trong khi điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa.

Ông Tân cho rằng, vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt đã và đang phát sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.

Thực tế, tại một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn chặn xe chở rác, không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực lân cận.

Vì vậy áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn khi việc mở rộng các bãi chôn lấp rác ngày càng gặp nhiều khó khăn vì không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương.

ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh, chúng ta cần tăng cường triển khai áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần các biện pháp chôn lấp rác thải. Đây là giải pháp hết sức cấp bách, mang tính căn cơ và lâu dài.

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống xử lý rác thải là vấn đề mang tính sống còn của một đô thị nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Đơn cử như ở Hà Nội, từ năm 1997 đến nay, chôn lấp vẫn là cách xử lý rác thải chủ yếu của Thủ đô. Trong khi, cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1, m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, xử lý rác thải sẽ ngày càng trở thành một vấn đề gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống cũng như sự phát triển bền vững của một đô thị. Chính vì vậy, gỡ nút thắt về quy hoạch và quyết liệt đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến được xem là giải pháp ưu tiên.

Ngọc Hà