Biến thể Omicron lan rộng nhiều nước: WHO đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng?

29/11/2021 11:06

Biến thể Omicron tiếp tục lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Các nhà khoa học ráo riết đi tìm câu trả lời: Liệu biến thể này có khả năng lây lan mạnh như đã được công bố?

Trong ngày 28/11/2021, biến thể Omicron đã lan rộng khắp thế giới với các ca nhiễm mới được phát hiện ở Hà Lan, Đan Mạch, Úc. Có thêm nhiều quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể này.

null

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, biến thể mới được tìm thấy ở Nam Phi có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay có thể khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn. 

“Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ nhập viện ở Nam Phi ngày càng tăng nhưng có thể là do sự gia tăng số lượng các ca nhiễm hơn là do lây nhiễm đặc biệt”, WHO cho hay. 

Sẽ phải mất “vài ngày đến vài tuần” mới có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.

Trong tuyên bố của mình, WHO cho biết, họ đang làm việc với các chuyên gia kỹ thuật để tìm hiểu về những tác động mà biến thể này có thể gây ra đối với các phương pháp chống dịch COVID-19 hiện hành, bao gồm cả vaccine. 

Chính phủ Anh cho biết, ngày hôm nay họ sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế của các nước G7 để thảo luận về các diễn biến của vấn đề này.  

Các quan chức y tế Hà Lan cho biết, họ đã tìm thấy 13 trường hợp nhiễm biến thể mới trong những hành khách đi trên 2 chuyến bay tới Amsterdam từ Nam Phi vào ngày 26/11. Họ đã xét nghiệm hơn 600 hành khách trên 2 chuyến bay này và phát hiện có 61 người dương tính với virus corona, sau đó họ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm khác để tìm ra những ca có nhiễm biến thể Omicron. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo de Jonge cho biết: “Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Cảnh sát Hà Lan cũng cho biết, họ đã bắt một cặp vợ chồng đang chạy trốn khỏi khách sạn mà họ đang phải cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. 

Tuần trước, Omicron được WHO gọi là "biến thể đáng lo ngại" vì có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó. Hiện biến thể này đã được phát hiện ở Úc, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Israel, Ý, Hà Lan, Pháp, Canada và Nam Phi.

Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm đi lại tới Nam Phi nhằm hạn chế sự lan rộng của biến thể này. Cùng thời điểm phát hiện biến thể mới, thị trường tài chính và giá dầu đã sụt giảm nghiêm trọng.

Một trong số những bác sĩ Nam Phi đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron cho biết, hiện những triệu chứng nhiễm biến thể này là khá nhẹ và có thể điều trị được tại nhà. 

Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi cho biết, không giống với các triệu chứng khi mắc biến thể Delta, các bệnh nhân mắc biến thể mới không hề bị mất vị giác hay khứu giác và cũng không có sự sụt giảm lượng oxy trong cơ thể của những bệnh nhân này. 

Các quốc gia ban hành biện pháp đối phó

Nhằm ngăn cản sự lây nhiễm của biến thể mới, Israel đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài và áp dụng lại công nghệ theo dõi qua điện thoại.

Thủ tướng Naftali Bennett cho biết, lệnh cấm đang chờ được chính phủ phê duyệt và dự định sẽ kéo dài trong vòng 14 ngày. Các quan chức hy vọng trong khoảng thời gian đó sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến thể Omicron. 

Ngày hôm qua, cán bộ cấp cao về các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci đã báo cáo với tổng thống Joe Biden rằng, họ sẽ báo cáo các thông tin chính xác hơn về khả năng lây truyền cũng như các đặc điểm khác của biến thể Omicron trong vòng 2 tuần tới. Ông cho biết, vaccine hiện tại “có khả năng bảo vệ nhất định đối với các biến thể nguy hiểm của COVID-19”.

Ngày hôm nay, tổng thống Biden cũng sẽ cập nhật thêm những thông tin về biến thể mới và cách đối phó của Hoa Kỳ đối với biến thể này. 

Chính phủ Anh đã công bố một số biện pháp đối phó với biến thể mới bao gồm quy định về việc kiểm tra nghiêm ngặt những người đến quốc gia này và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở một số địa điểm cụ thể.  

Chính phủ Nam Phi đã lên án các biện pháp này và cho rằng đây là những biện pháp không công bằng và có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước này. Đồng thời, Nam Phi cho rằng họ đang bị trừng phạt vì trình độ khoa học của mình trong việc phát hiện sớm các biến thể của virus corona.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, đất nước này đang xem xét áp dụng các mũi tiêm COVID-19 bắt buộc đối với người dân ở một số địa phương. Ông cũng đã chỉ trích các nước phương Tây giàu có về việc ban hành những lệnh cấm đi lại.

Ông Ramaphosa nói: “Việc cấm đi lại là phản khoa học và cũng sẽ không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Điều duy nhất mà những lệnh cấm này có thể làm đó là gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế của những nước bị ảnh hưởng, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia ban hành lệnh cấm".

Omicron xuất hiện khi nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải chiến đấu với sự gia tăng số lượng các ca nhiễm COVID-19 và họ ban hành các lệnh hạn chế đi lại nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm biến thể mới này. 

Biến thể Omicron cũng cho thấy một sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới. Theo các nhóm y tế và nhân quyền, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang tăng tốc tiêm mũi thứ 3 thì chưa đến 7% dân số ở các quốc gia nghèo được tiêm mũi đầu tiên của vaccine COVID-19. 

(Nguồn: Reuters)

 

Ngọc Bích