3 bước nhanh nhất xác nhận F0, cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH

14/03/2022 11:03

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn chính thức về thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Theo đó, thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 gồm: Quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng BHXH. Cụ thể:

Bước 1: Xác định người mắc Covid-19

Việc tiếp nhận thông tin từ người nghi nhiễm được chuyển đến Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng (được phân công phụ trách từng khu vực tổ dân phố, cụm dân cư đến từng hộ gia đình). Trong đó, bao gồm thông tin người nghi nhiễm và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH (nếu có nhu cầu).

Sau khi tiếp nhận thông tin, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, xác nhận ca bệnh xác định: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 bằng phương pháp Real-time RT-PCR; là người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với Covid-19; là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính Covid-19…

Sau đó, chuyển danh sách người nhiễm Covid-19 đủ thông tin đã được xác nhận của Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19  tại cộng đồng, nhân viên y tế đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Quyết định cách ly, quản lý theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà, gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo, bản chính lưu tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn. Cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0.

null
Thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 gồm: Quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng BHXH. (Ảnh minh họa).

Cập nhật thông tin người mắc Covid-19 có tham gia BHXH lên hệ thống thông tin giám định của BHXH để cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền.

Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng liên hệ thường xuyên với người nhiễm để nắm được tình trạng sức khỏe hoặc nhân viên y tế đến trực tiếp nhà người mắc để thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường theo quy định.

Bước 3: Xác nhận khỏi bệnh và hoàn thành cách ly

Ngày thứ 7 kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, người mắc Covid-19 tại nhà làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc tự thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính, trạm Y tế cấp giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vaccine) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vaccine).

Nhân viên y tế tại Trạm y tế cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia BHXH và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định BHXH.

Ngoài ra, cấp giấy xác nhận khỏi bệnh, kết thúc cách ly vào ngày thứ 10 (nếu tiêm đủ mũi vaccine) hoặc ngày thứ 14 (nếu tiêm chưa đủ mũi vaccine) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cần số hóa thủ tục hành chính

Trong thời gian qua, nhiều F0 điều trị tại nhà phải ồ ạt ra phường, xếp hàng xin xác nhận khỏi Covid-19 để trở lại đi làm hoặc đề nghị cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH khiến cho nhân viên y tế địa bàn ở Hà Nội bị quá tải.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội đến hết 9/3 cho biết, thành phố có gần 646.000 F0 đang điều trị và 99% số này điều trị tại nhà.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích, do liên quan đến chế độ BHXH, người dân cần một loại giấy tờ để chứng minh rằng mình nghỉ làm vì nhiễm Covid-19.

“Chúng ta phải linh hoạt hơn, tức là cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có đội ngũ y tế xác nhận người lao động mắc Covid-19 thì cũng có thể chấp nhận được, không nhất thiết cứ phải ra trạm y tế xã, phường, bệnh viện. Việc này sẽ giúp giảm tải cho đội ngũ cán bộ y tế", ông Hùng cho hay.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ ra thủ tục cấp giấy chứng nhận F0 vẫn còn rườm rà quá mức. Nếu cứ giữ nhiều giấy tờ như vậy dẫn đến việc người dân không khai báo, nếu không bị nặng họ vẫn đi làm gây nguy cơ lây nhiễm nhiều người.

"Khi người ta xét nghiệm dương tính thì không cần phải ký quyết định cách ly, hết thời gian cách ly, dỡ bỏ cách ly… Cần bớt các thủ tục này đi thì người dân sẽ tuân thủ hơn trong phòng chống dịch và đỡ dồn áp lực cho y tế xã, phường", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Trước tình trạng trên, nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc làm thủ tục xác nhận F0, nhiều địa phương tại Hà Nội không yêu cầu người dân phải gửi trực tiếp "bằng chứng" là kết quả xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh dương tính cho cơ quan y tế mà có thể chuyển clip quá trình xét nghiệm nhanh qua Zalo cho tổ y tế cộng đồng, trạm y tế để được xác nhận.

Việc người dân đến trạm y tế để làm xét nghiệm nhanh, công nhận F0, xin giấy hoàn thành cách ly, cấp phát thuốc... là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, cách tổ chức, quản lý ra sao là do địa phương quyết định.

"Nếu chúng ta số hóa các giấy tờ để người dân không phải vất vả đi lại nhiều là điều rất tốt. Để được như vậy, cần phải thống nhất giữa các cơ quan với nhau như BHXH, y tế, chính quyền địa phương thì mới có giá trị", bác sĩ Hà chia sẻ.

f0-nhan-bao-hiem-1647230495.jpg
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Cùng quan điểm, theo bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An - Trưởng trạm y tế phường Tân Quy (quận 7, TP.HCM), những thủ tục hiện nay đang rườm rà, tốn rất nhiều thời gian cho người bệnh, đồng thời dẫn đến việc quá tải ở các trạm y tế.

Do đó, cần áp dụng công nghệ thông tin để tích hợp liên thông các dữ liệu với nhau. "Mỗi địa phương nên có ứng dụng riêng để F0 có thể khai báo bệnh kết hợp với việc cấp giấy hoàn thành cách ly, giấy chứng nhận hưởng BHXH trực tuyến qua app, giống như chứng nhận thẻ xanh Covid hiện nay. Chỉ cải cách một bước thì những bước khác vẫn hỏng, nên xem xét tối ưu cả quy trình", bác sĩ An đề xuất.

Lan Anh (T/h)