Hà Nội: Nhiều cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên bị chết khô

09/12/2020 10:35

Sau 7 tháng được chuyển tới trồng ở vị trí mới, bảy cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị héo và chết dần.

Theo Vnexpress, trong 34 cây sưa đỏ trồng trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên, ngoài bảy cây đã chết khô, còn một cây đang có dấu hiệu úa lá, khô cành, không đâm chồi. Những cây này cao khoảng 10 m, đường kính gốc 35-45 cm, đã tỉa gọn tán, được bọc khung sắt hình trụ, lắp camera theo dõi bảo vệ.

Hàng cây sưa đỏ đang chết dần. (Ảnh: Vnexpress)

Tất cả cây được trồng trên đường Nguyễn Văn Huyên khoảng 20 năm trước, đến cuối tháng 4/2020 thì được chuyển lùi vào vỉa hè 3 m để phục vụ cho dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên. Đến tháng 8, nhiều cây bắt đầu héo lá, công nhân chăm sóc đã treo bịch truyền dưỡng chất phục hồi.

Ông Ma Kiên Ngọc, Giám đốc Công ty tư vấn thương mại Thành Công Xanh cho biết, "đã rất cố gắng, nhưng có lẽ do lúc đánh chuyển vào thời điểm nắng nóng dẫn đến cây bị yếu, khó sinh trưởng trở lại". Sắp tới, Sở Xây dựng và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ lập đoàn khảo sát để đánh giá chính xác "xem cây đã chết chưa". Nếu cây chết, cơ quan chức năng sẽ thu hồi gỗ, củi và trồng lại cây sưa đỏ mới vào đúng vị trí đó.

Trước đó, để phục vụ, thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội đã dịch chuyển hàng cây sưa đỏ lùi vào trong so với vị trí ban đầu.

Để bảo vệ khỏi việc mất trộm, hàng cây "đắt hơn vàng" này được bao bọc bởi hàng rào sắt xung quanh từ gốc đến ngang thân theo hình dáng của từng cây một. Bên cạnh đó, nhiều camera được lắp đặt để có thể quan sát, bảo vệ ngày đêm.

Trước đó, nhiều cây sưa đã được truyền dịch "cấp cứu".

Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc di dời, đến nay hàng sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên có nhiều cây bị khô héo và chết dần.

Hiện tại trên địa bàn Hà Nội có trên 3.800 cây sưa. Đây là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Gỗ sưa đỏ cực kỳ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Nhật Hạ