Giá xăng tiếp tục lập đỉnh, người dân "sốt ruột" chờ giảm thuế

14/06/2022 08:19

Từ ngày 13/6, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít. Như vậy trong năm nay, mặt hàng này đã có 12 lần điều chỉnh tăng.

Chiều 13/6, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 tăng thêm 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít; giá xăng A95 tăng gần 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá trong tổng số 15 kỳ điều hành.

Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít. Cụ thể, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/kg.

Áp lực "đè nặng" lên người dân

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhận xét với mức tăng như trên, giá xăng dầu trong nước đã leo lên mức cao nhất từ trước đến nay.

“Việc các nước cấm vận Nga xuất khẩu dầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu diesel trong nước tăng mạnh tại phiên điều hành chiều 13/6” - ông Bảo giải thích.

Giá xăng tiếp tục lập đỉnh, người dân "sốt ruột" chờ giảm thuế - Ảnh 1 Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá trong tổng số 15 kỳ điều hành.

Việc giá xăng dầu liên tiếp thiết lập kỷ lục mới đang gây áp lực lớn lên đời sống người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Chị Nguyễn Ngọc Ánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán cho biết bình thường chỉ đổ khoảng 80.000 đồng là đầy bình xăng xe máy. Thế nhưng hiện giờ giá xăng tăng quá cao, muốn đổ đầy bình phải tốn đến 110.000 đồng.

“Giá xăng tăng quá cao kéo giá hàng hóa leo thang theo trong khi quỹ lương có hạn, thu nhập không tăng khiến chúng tôi chỉ còn cách phải thắt chặt chi tiêu và hạn chế các hoạt động ra ngoài vui chơi, giải trí” - chị Ánh thở dài.

Anh Nguyễn Hữu Đức, chủ một tiệm tạp hóa ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), cũng lắc đầu ngao ngán về tình trạng bán hàng ế ẩm do giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

“Giá dầu ăn đầu năm trên dưới 40.000 đồng/lít nay đã tăng lên hơn 60.000 đồng/lít. Giá mì tôm, các loại thực phẩm khác cũng tăng theo. Do giá cả tăng nên lượng khách hàng ít hơn trước, mỗi lần mua cũng mua với số lượng ít hơn. Ai nấy đều thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nguồn thu nhập có hạn. Tình hình này cứ kéo dài khiến chúng tôi rất lo lắng” - anh Đức chia sẻ.

Giá xăng tăng cao là bất khả kháng

GS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam, cho rằng, mỗi lần giá xăng dầu tăng đều tác động trực tiếp tới mặt bằng giá cả, “hầu bao” của người dân, gây hiệu ứng domino, vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có giao thông vận tải, hàng không, du lịch, đánh bắt hải sản, sản xuất nông nghiệp, nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, GS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục và tăng liên tiếp như hiện nay là bất khả kháng, bởi giá xăng dầu đang leo thang hầu như trên phạm vi toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam đã chủ động được khoảng 70% trữ lượng xăng dầu cho thị trường, chỉ có 30% phụ thuộc nhập khẩu, song thực tế vẫn phải nhập dầu thô của thế giới để lọc hóa, còn dầu khai thác của Việt Nam không phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa.

Theo Hiệp hội Xăng dầu thế giới, mặc dù trong những tháng qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng tới 70%-80% nhưng mức tăng giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 12% của thế giới.

Theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh, giải pháp hiện nay để kiểm soát giá xăng dầu là Chính phủ có thể xem xét giảm, hoặc miễn một số loại thuế chiếm tỷ lệ cao trong cấu thành giá bán xăng dầu, hoặc trợ giá như Malaysia đang thực hiện, gồm 4 loại thuế: tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, nhập khẩu và bảo vệ môi trường.

Theo tính toán, thuế với xăng hiện đang chiếm khoảng 29%-31%, dầu khoảng 20%-30% giá bán. Nhưng, có một số loại thuế có lẽ đã tới giới hạn miễn giảm, chẳng hạn như thuế nhập khẩu xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng khoảng 8% thì ở một số nước như Hàn Quốc cũng đang giữ 8% và theo lộ trình sẽ tiến tới mức thuế nhập khẩu với xăng dầu chỉ là 0%. Với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc miễn giảm là rất khó, bởi mục đích của loại thuế này là để hạn chế tiêu dùng xăng dầu quá mức.

GS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì không phải người tiêu dùng nghèo được lợi, vì nhu cầu sử dụng không lớn, mà chính là các doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp đang sử dụng các loại công nghệ, thiết bị tiêu tốn nhiên liệu quá mức.

Cũng theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ cần dự báo liệu sắp tới giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng nữa hay không, để đưa ra các quyết sách chính xác như: trợ giá cho người tiêu dùng, tạm miễn giảm các loại thuế phí có thể khả dụng, qua đó kìm hãm mức giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. “Chính phủ cần phải liệu cơm gắp mắm, đưa ra quyết sách dứt khoát, kịp thời, phù hợp”, ông Thịnh nói và cho rằng, miễn, giảm thuế sẽ giúp người dân “bình phục” trong giai đoạn giá cả liên tục tăng hiện nay.

Hà Lan