Doanh nghiệp vận tải “lao đao” vì xăng dầu tăng mạnh

16/02/2022 10:19

Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.

Khó khăn “chồng chất”

Lo lắng trước giá xăng tăng cao kỷ lục, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long, cho biết các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe "trùm mền" thời gian dài vì dịch Covid-19, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.

"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng" - ông Liên nói.

Doanh nghiệp vận tải “lao đao” vì xăng dầu tăng mạnh - Ảnh 1 Xăng dầu tăng mạnh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. "Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít khiến họ không có thu nhập, sẽ bỏ việc" - ông Hùng nói. Giá xăng dầu tăng mạnh buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Cùng với đó, việc doanh nghiệp phải tăng giá cước khiến lượng khách sẽ càng ít hơn. Để tồn tại, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, chi phí. 

Ông Lương Kim Hải (nhà xe Sao Nghệ) lo lắng, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. “Giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai mua”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Xuân Đạt - Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải và Thương Mại Vạn Xuân kể, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. “Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít, người lao động không có việc làm. Hiện, 50% số lượng phương tiện của doanh nghiệp hoạt động, doanh thu chỉ đạt 15% - 20% so với trước khi xảy ra dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác”, ông Đạt nói.

Mong chờ giảm thuế

Trước khó khăn mà doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, trước thực tế này, các doanh nghiệp vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải, từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, nhằm hạn chế tăng giá vé, cước vận tải; đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột.

Vì vậy, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu. Hiện nay, mức thu thuế bảo vệ môi trường khá cao (3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu). Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, việc điều chỉnh giảm thu loại thuế này trong bối cảnh hiện nay sẽ không gây xáo trộn, tác động dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, có thể giảm thuế phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị các Bộ, ngành, cơ quan quản lý huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, Nhà nước nên xem xét, cho phép xã hội hóa kinh doanh xăng dầu để mọi thành phần tham gia nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo thường trực là dịch Covid-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu đã đạt mức giá cao nhất trong 8 năm qua. Nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới, Việt Nam rất khó giảm giá xăng dầu, đi ngược giá thế giới, song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chính quỹ bình ổn giá…

Hiện một lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế: Giá trị gia tăng 10%, nhập khẩu 10%, tiêu thụ đặc biệt 10% và bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Bộ Công thương cho rằng tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm từ 42,7 - 43,2%, với mặt hàng dầu là trên 21 - 27%. Ngoài các loại thuế, giá xăng dầu trong nước đang gánh các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Ông Long đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chính giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp vận tải, sản xuất, thương mại bớt áp lực giá cả tăng. Giá xăng dầu thế giới đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Với tình hình thế giới tăng, chúng ta tăng theo thì doanh nghiệp rất khó khăn. Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được, nên làm ngay. Bởi điều này có ý nghĩa và rất quan trọng cho người dân lẫn doanh nghiệp. Nay doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn tạo tâm lý an lòng dân mới phục hồi kinh tế đường dài được.

Hà Lan (T/h)