Điều kiện khởi công xây dựng công trình mà chủ đầu tư cần nắm rõ

27/04/2022 10:21

Trước khi tiến hành khởi công công trình xây dựng, chủ đầu tư cần đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.

Điều kiện khởi công xây dựng công trình

Khởi công xây dựng là hoạt động xây dựng đầu tiên trên thực địa của chủ đầu tư (gồm cả hộ gia đình, cá nhân). Tùy thuộc vào loại công trình mà khi khởi công cần đáp ứng những điều kiện dưới đây theo quy định của Luật Xây dựng.

6 điều kiện khởi công xây dựng công trình

Theo Khoản 2 Điều 107 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:

Điều kiện khởi công xây dựng công trình mà chủ đầu tư cần nắm rõ - Ảnh 1 Ảnh minh họa.

1. Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng.

2. Có giấy phép xây dựng đối với công trình không được miễn giấy phép xây dựng.

3. Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt.

4. Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật.

5. Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

6. Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 3 ngày làm việc.

Đang thi công công trình có được cấp giấy phép xây dựng không?

Theo quy định, với công trình, nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp có đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng vẫn sẽ được cấp giấy phép nếu chủ đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp hồ sơ đề nghị cấp theo đúng thời hạn quy định.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định các hành vi quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 16 Nghị định này thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công thì xử lý như sau:

“Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng…”.

Như vậy, trong quá trình xây dựng nếu đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư cũng phải tạm dừng thi công và nộp hồ sơ đề nghị được cấp giấy phép xây dựng.

10 loại hợp đồng giao dịch bất động sản bắt buộc phải công chứng

Việc công chứng các giao dịch về bất động sản sẽ giúp hạn chế những rủi ro về pháp lý, thiệt hại về kinh tế.

1. Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Trừ trường hợp mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư (theo Điều 122 Luật Nhà ở 2014, Điều 430 Bộ Luật Dân sự 2015, Điều 450 Bộ Luật Dân sự 2005).

2. Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp nếu một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản (theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).

3. Hợp đồng cho tặng nhà ở hoặc bất động sản khác phải chuyển quyền sở hữu tài sản là bất động sản đó cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận, phải lập thành văn bản và phải công chứng, chứng thực.

Trừ trường hợp: tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương (theo Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1 Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015, khoản 1 Điều 467 Bộ Luật Dân sự 2005).

4. Hợp đồng thế chấp nhà ở bắt buộc phải công chứng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp của loại giao dịch này (theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).

5. Hợp đồng đổi nhà ở là giao dịch về chuyển quyền sở hữu để được Nhà nước công nhận và sang tên sở hữu nên cần thiết có sự xác minh, kiểm soát về tính pháp lý nên bắt buộc phải công chứng (theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).

6. Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở trừ trường hợp góp vốn bằng nhà ở bởi một bên là tổ chức (theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).

7. Hợp đồng mua bán bất động sản đấu giá (theo khoản 5 Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2005).

8. Hợp đồng bảo lãnh (theo Điều 362 Bộ Luật Dân sự 2005).

9. Hợp đồng thế chấp tài sản (theo Điều 343 Bộ Luật Dân sự 2005).

10. Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (theo khoản 3 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).

Bùi Hằng