Đầu tư điện gió ngoài khơi: Cần cơ chế, tiêu chí rõ ràng cho nhà đầu tư

10/06/2022 08:57

Tạo Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu Quy hoạch Điện VIII và cam kết Net Zero", nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư điện gió ngoài khơi.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và khả thi của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Quy định chưa rõ ràng khiến nhiều nhà đầu tư "ngại" xuống tiền

Phát biểu tại Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu Quy hoạch Điện VIII và cam kết Net Zero", ngày 9/6, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, quá trình phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư bị kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi vào năm 2030 (7.000MW hoặc cao hơn khi điều kiện cho phép).

Hiện, Dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ mới phân bổ công suất điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa có phân bổ theo địa phương.

Sau khi Quy hoạch VIII được phê duyệt, Bộ Công thương mới dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư…

Do vậy, bà Bình nhấn mạnh, nếu việc phê duyệt quy hoạch, lưạ̣ chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì mục tiêu 7.000 MW vào năm 2030 rất khó khả thi.

null
 Đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc.

Về khung chính sách, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi cho đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là quy định như thế nào được gọi là dự án điện gió ngoài khơi, cũng là những khó khăn cho phát triển điện gió ngoài khơi được bà Bình chỉ ra.

Cụ thể, ở Quyết định số 39 chỉ đưa ra quy định điện gió trên bờ và ngoài khơi, trong khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề cập đến điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi.

Lãnh đạo Tập đoàn T&T cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế đấu thầu (đấu giá) đang được đề xuất dự kiến sẽ áp dụng cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

“Nếu áp dụng ngay cho điện gió ngoài khơi có thể sẽ có nhiều rủi ro và hệ lụy cho cả các nhà đầu tư “thực” lẫn mục tiêu phát triển của Quy hoạch điện VIII cần đạt được”, bà Bình nói phân tích, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực đầu tư còn rất mới mẻ đối với Việt Nam, trong khi có thể có một số nhà đầu tư chỉ tham gia hoạt động theo hướng “phát triển dự án”. Vì thế, việc tham gia thầu (bỏ giá thầu) trong trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng nhiễu thị trường và sau đó là bỏ thầu…

Tương tự, ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) cũng cho rằng, doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án điện gió ngoài khơi (dù nhỏ nhất). Họ cần sự rõ ràng về chính sách.

Thời gian để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi từ khâu chuẩn bị đến khi vận hành thương mại mất 8 năm, do đó, ông Mark Hutchinson nhiều lần nhấn mạnh “rất nhiều việc chúng ta cần làm một cách cấp bách”.

Ông Mark Hutchinson cũng cho biết, các ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay, nên cần những đơn vị nước ngoài đầu tư vào. Qua tham vấn, ngân hàng nước ngoài sẽ cần tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm cống suất…

Cần có cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu

Đưa ra những giải pháp gỡ nút thắt trên, phần lớn nhà đầu tư và chuyên gia đều nhìn nhận, cần có cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu, bởi không chỉ thời gian chờ đợi cơ chế này còn dài, mà thực tế kinh nghiệm các nước đều cho thấy đây là giải pháp hợp lý.

Ông Mark Hutchinson nhấn mạnh, không thị trường nào trên thế giới huy động được 3GW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu tiên thông qua đấu thầu. Do đó, cần thực hiện cơ chế chuyển tiếp với giá cố định cho 4GW đầu tiên và sau đó tiến tới đấu thầu cho 3GW còn lại cho giai đoạn đến năm 2030. Hoặc thực hiện giải pháp lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí đặt ra...

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cũng nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu) trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được năng lực, kinh nghiệm, tài chính, phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước..., đảm bảo rút ngắn giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, các dự án có thể sớm được triển khai, vận hành trước 2030.”

Dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản..., bà Thanh Bình cho hay, các nước này cũng áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT) để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu. T&T cũng đang tính toán mức giá bao nhiêu là hợp lý và sẽ có đề xuất với Chính phủ.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Việt Nam COP - Tổng giám đốc Công ty La Gan cũng nêu lý do phải có giai đoạn chuyển đổi trước khi chuyển ngay sang cơ chế đấu giá. Theo đó, các tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi cần được điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định hiệu quả, từ đó thu hút nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và tài trợ trên toàn thế giới.

Như ở Đài Loan (Trung Quốc), mức giá đối với các hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió ngoài khơi cho thấy mức giảm đều trong 6 năm qua từ mức giá ưu đãi FIT ban đầu, qua giai đoạn chuyển đổi và hiện tại là đấu giá cạnh tranh, với mức giảm khoảng 60%.

"Điểm đầu tiên trong kinh nghiệm phát triển các dự án là Chính phủ chủ động trong việc đánh giá các vị trí tiềm năng, từ đó có kế hoạch dài hạn, mạnh mẽ và nhất quán để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư," ông Stuart Livesey nói.

Về phía cơ quan quản lý, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viên trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cũng bày tỏ, mỗi quốc gia có cơ sở, xuất pháp điểm và pháp luật đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của quốc gia đi trước, để thúc đẩy phát triển giai đoạn đầu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, họ cũng dùng chính sách giá cố định hoặc lựa chọn nhà đầu tư... Do vậy, đây cũng là vấn đề phải cân nhắc.

Hà Lan