Danko Group ngang nhiên xây ‘chui’ dự án 1.300 tỉ ở Thái Nguyên

23/03/2020 14:38

Dự án khu nhà ở Cao Ngạn (dự án Danko City) dù chưa được giao đất, chưa chuyển đổi đất lúa nhưng Tập đoàn Danko (Danko Group) đã triển khai thi công rầm rộ, rao bán… Đáng nói, Bộ Xây dựng cảnh báo dự án có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung phát triển nhà ở của tỉnh Thái Nguyên.

Chưa được giao đất, Danko vẫn thi công

Công ty cổ phần Tập đoàn Danko có tiếng trong lĩnh vực tư vấn, môi giới bất động sản, đặt trụ sở tại Hà Nội và đang mở rộng đầu tư dự án ở các địa phương khác. Việc trúng thầu dự án 1.300 tỉ đồng tại Thái Nguyên nằm trong chiến lược đầu tư và là dự án khu đô thị “đầu tay” của tập đoàn này trong vai trò chủ đầu tư.

Được biết, tháng 5/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, tại tổ 3, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên. Danko Group được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án có quy mô đất 50 ha với tổng mức đầu tư tới 1.300 tỉ đồng này theo hình thức chỉ định thầu.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Danko City, trong vòng 48 tháng, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án, cây xanh, các dãy nhà ở kết hợp thương mại cùng các hạng mục công trình công cộng. Quy hoạch được duyệt cũng bao gồm xây dựng khu nhà ở đô thị, nhà ở xã hội theo quy định về bố trí đất phù hợp tại dự án nhà ở thương mại.

Thế nhưng, khi chưa có Quyết định giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 28/7/2019, Danko Group đã tổ chức động thổ thi công dự án Khu nhà ở Cao Ngạn. Lễ động thổ trái quy định này còn có sự tham dự của khá nhiều lãnh đạo TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên.

Chủ đầu tư tổ chức động thổ thi công dự án Danko City khi chưa có quyết định giao đất. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Ngay sau lễ động thổ, đơn vị thi công đã tổ chức san ủi, đổ đất san lấp tạo mặt bằng và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của dự án. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, tại thời điểm chủ đầu tư tổ chức động thổ thi công dự án Danko City khi chưa được cấp phép xây dựng là trái quy định. Hơn nữa, sau khi trúng thầu dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp, đã triển khai các hoạt động thi công trên đất

Ngay ở thời điểm động thổ thi công, trên thị trường, các môi giới đã giới thiệu, quảng cáo rao bán rầm rộ đất nền tại dự án Danko City. Theo thông tin quảng cáo, khu đô thị mang “đẳng cấp châu Âu” của Danko có mật độ xây dựng chỉ 37,3%, gồm các hạng mục xa hoa như công viên, quảng trường ánh sáng, nhạc nước, phố đi bộ, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, trung tâm thể thao, hồ mắt rồng, bến du thuyền...

Dự án có sản phẩm đa dạng như đất nền, biệt thự, liền kề, trong đó có 832 căn shophouse, 638 liền kề, 115 biệt thự…

Đến nay, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đang thi công cấp tập các tuyến đường nội bộ trong dự án Danko City. Một số công trình nhà ở hai tầng rộng hàng nghìn mét vuông đã “mọc” chễm trệ trên đất, được đơn vị bán hàng dùng để giới thiệu dự án và thực hiện các hoạt động kinh doanh bán bất động sản.

Dự án “tù mù” pháp lý

Thời gian qua, Thái Nguyên trở thành điểm “nóng” thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với sự xuất hiện của các dự án lớn, quy mô nghìn tỉ đồng. Nhà đầu tư cũng ồ ạt kéo về tìm hiểu, mua bán đất dự án, bất chấp những rủi ro vì dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý.

Điển hình như dự án Danko City do chủ đầu tư trúng đầu thấu sẽ phải giải phóng mặt bằng với diện tích 50ha, chuyển đổi từ đất lúa sang đất ở, đất thương mại để làm dự án.

Dự án “đầu tay” của Danko có quy mô 50ha chưa đủ điều kiện kinh doanh bán bất động sản.

Ngày 21/6/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có tờ trình số 84/TTr-UBND gửi Bộ TN&MT về việc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích 49,35 ha đất trồng lúa để thực hiện 3 dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có dự án Danko City. Ngày 4/11/2019, Bộ TN&MT có công văn số 5710/BTNMT-TCQLĐĐ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 14,33 ha đất trồng lúa thực hiện dự án Danko City. Sau đó, ngày 20/11/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có văn bản đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên được chuyển đổi mục đích sử dụng 14,33 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để làm dự án.

Trong tháng 11/2019, Bộ Xây dựng mới có văn bản cho ý kiến chấp thuận đầu tư dự án Danko City và Bộ cũng lưu ý dự án này có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Quy mô dân số dự án Khu nhà ở Cao Hà (chưa tính đến các hộ dân sinh sống tại khu vực đất ở hiện trạng cải tạo) là 7.956 người, tương đương 1.989 hộ dân mới, chiếm khoảng 79% tổng dân số toàn khu.

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần rà soát, xác định quy mô dân số, diện tích sử dụng đất ở, số lượng căn hộ và quy đổi dân số tại dự án bảo đảm phù hợp quy hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đến ngày 20/1/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên mới có Quyết định số 231/QĐ-UBND quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Danko City.

Đến thời điểm này, khi tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Như vậy, dù chưa được giao đất và Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, Danko vẫn ngang nhiên thi công rầm rộ, xây dựng công trình văn phòng ngay trên “đất lúa”.

Cũng vì thế, mọi hoạt động kinh doanh bán hàng, giao dịch và nhận tiền của khách hàng để bán nhà “trên giấy” là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Không chỉ dự án Danko City, liệu rằng 4 dự án lớn khác mà Tập đoàn Danko đang đề xuất đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên như: dự án Khu đô thị chức năng đầu cầu cứng Sông Công, Khu nhà ở Bách Quang, Khu nhà ở đường 47; Khu nhà ở xóm Vàng và Khu nhà ở Phổ Yên đường vành đai 5… có lặp lại hành vi bất chấp quy định pháp luật hay không?

Hải Nam