Công bố 2 loại vaccine tiêm phòng Covid-19 cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi

01/04/2022 11:30

Không giống như đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn

Mới đây, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. 

Liên quan đến kế hoạch tiêm phòng, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nêu rõ, ngay trong đầu tháng 4/2022, sau khi vaccine phòng Covid-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đáng chú ý, có 2 loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Không giống như đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, đối với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Theo đó, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vaccine Pfizer, tiêm bắp với liều tiêm 0,2 ml. Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần.

Vaccine Spikevax (Moderna Covid-19 vaccine) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiêm liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi là việc quan trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm của các nước, các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Hoa Kỳ... để bảo đảm khi tiêm chủng phải an toàn”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, khi trở lại trường học, việc lây nhiễm Covid-19 của trẻ đã tăng lên do biến chủng Omicron. Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc Covid-19 phần lớn đều có mức độ bệnh nhẹ, nhưng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, phụ huynh phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để cách ly, tiếp tục học trực tuyến…, tạo gánh nặng lên xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi này; đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch báo cáo UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương và hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, tích cực chuẩn bị để sớm triển khai vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể đưa vaccine vào sử dụng ngay sau khi tiếp nhận vaccine...

"Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Có nên từ chối tiêm vaccine cho trẻ?

Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Việt Nam, với số ca mắc là trẻ em tăng cao và hầu hết phục hồi nhanh chóng, nhiều phụ huynh có những băn khoăn về việc tiêm vaccine cho trẻ đã mắc Covid-19 hay những phản ứng phụ với trẻ sau tiêm vaccine. Nhiều gia đình cho rằng, trẻ mắc Covid-19 như bị cúm thông thường nên từ chối tiêm.

tiem-vac-xin-cho-tre-em-1648787464.jpg
Tiêm vaccine phòng Covid-19 giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến Covid-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.

 

Trước những băn khoăn này của các gia đình, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nêu khuyến cáo: "Với các phụ huynh, trước khi ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về vaccine, cân nhắc những khuyến cáo về tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn của vaccine... Đặc biệt, với trẻ em có bệnh nền hoặc béo phì, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định cho con em tiêm chủng hay không". 

Đến nay, Việt Nam vẫn đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trong quý I và quý II/2022, dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tham khảo kinh nghiệm của các nước đã tiêm vaccine cho trẻ em.

Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ mắc Covid-19 ở nhóm trẻ chưa tiêm vaccine chiếm khá cao và thực tế từ các quốc gia đã triển khai tiêm là tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp. Nếu có phản ứng, những triệu chứng này sẽ biến mất sau một vài ngày, không có tác dụng phụ lâu dài.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến Covid-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này. WHO cũng cho rằng, vaccine đã được quản lý nghiêm ngặt, đồng thời chỉ định theo độ tuổi của trẻ em và thanh thiếu niên là an toàn và hiệu quả trong việc giảm gánh nặng bệnh tật ở những nhóm tuổi này.  

Các thử nghiệm đối với vaccine ngừa Covid-19 công nghệ mRNA cho thấy, hiệu quả và khả năng sinh miễn dịch tương tự hoặc cao hơn so với người lớn. Vấn đề an toàn và phản ứng ở thanh thiếu niên tương tự như thanh niên. Tình trạng viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim đã được báo cáo với vaccine mRNA Covid-19 tuy nhiên ở trẻ nhỏ phản ứng này là vô cùng hiếm chỉ ở mức 1/1 triệu mũi tiêm.

Lan Anh