Chủ tịch "Cô đơn trên sofa", còn ACB có vươn xa?

26/07/2023 06:36

Đến tận hôm nay, sức hút của màn đàn, hát, nhảy trên sân khấu 30 năm Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) mà Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy thực hiện vẫn còn sức nóng, dù một tháng rưỡi đã trôi qua. Điều gì làm nên sức hấp dẫn ấy? ACB dưới thời Chủ tịch đa tài có gì khác biệt?

null
Màn hát, nhảy như nghệ sĩ chuyên nghiệp của Chủ tịch Trần Hùng Huy.

Chủ tịch "Cô đơn trên sofa" là ai?

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, có bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Golden Gate, Mỹ. Ông là con trai của ông Trần Mộng Hùng - một trong những cổ đông sáng lập của ACB và bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên HĐQT của ngân hàng ACB.

Năm 24 tuổi, sau khi nhận bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Mỹ, ông Huy lén gia đình, nộp đơn thi tuyển làm nhân viên ở ACB. Tới khi được nhận vào làm, mới báo cho cha mẹ. Sau ba năm đầu làm việc với vai trò nhân viên cấp thấp, Trần Hùng Huy quay lại Mỹ, học tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate. Đến năm 2011, ông bảo vệ xong luận án tiến sĩ, dốc toàn bộ sức lực gây dựng sự nghiệp của bản thân ở ACB.

Năm 2012, khi đang là Phó Tổng giám đốc ACB, Trần Hùng Huy được lựa chọn là người ngồi lên ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này sau "biến cố bầu Kiên". Ở tuổi 34, ông Huy trở thành người nắm giữ chức Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong giới ngân hàng Việt Nam. Đến nay, chưa ai phá vỡ kỷ lục này của ông.

Tại ACB, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu 115,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ngân hàng. Giá trị tài sản Chủ tịch ACB thông qua sở hữu cổ phiếu ước tính khoảng 2.900 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị ngân hàng năm 2022 của ACB, gia đình ông Trần Hùng Huy hiện đang nắm tổng cộng hơn 200 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 6,05% vốn điều lệ ngân hàng. Tháng 12/2020, cổ phiếu ACB đã chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM HoSE.

Ngoài ACB, ông Trần Hùng Huy cũng có vai trò chủ chốt tại một loạt doanh nghiệp khác như Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ACB (ACBA), Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL), Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Giang Sen, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Vân Môn và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bách Thanh.

201-1690162418.jpg
Vợ chồng ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy.

ACB dưới thời Trần Hùng Huy có gì khác?

Nhận nhiệm vụ đứng đầu chèo lái ACB khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng ông Trần Hùng Huy đã nhanh chóng chứng minh được năng lực của mình bằng kết quả thực tế, vực dậy ACB từ sự cố liên quan bầu Kiên vào năm 2012.

Cuối tháng 6/2014, ngân hàng này được Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ “tiêu cực” lên “ổn định” sau khi đánh giá những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) lên hệ thống tài chính của ABC đã giảm thiểu.

Giai đoạn năm 2013 đến năm 2016, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định sau sự cố. Đến năm 2017, ACB đạt 2.656 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 60% so với năm 2016. Sang đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB tăng tới 140%, đạt 6.389 tỷ đồng.

Đến năm 2019, mức tăng trưởng lợi nhuận của ACB là 18%, đạt 7.516 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận tăng trưởng 27% lên mức 9.596 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ, cụ thể là 11.998 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế ACB đạt kỷ lục lên đến 17.114 tỷ đồng, tăng gần 43%. Quý 1/2023, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm.

ACB cũng là một trong số các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong hệ thống hiện nay. Cuối quý 1/2023, ACB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 0,74% lên 0,84% - vẫn duy trì ở mức thấp dưới 1% trong suốt 7 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.

Khi lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, rất nhiều người nghĩ ông Trần Hùng Huy là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào “ghế nóng”. Thế nhưng, sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đông năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi ghế chủ tịch hội đồng quản trị. Kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên hội đồng quản trị tiếp tục chọn ông Huy.

Không chỉ thắng lớn trong kinh doanh, Chủ tịch Trần Hùng Huy được cho là đã “thổi một làn gió” mới cho ACB với hình ảnh một ngân hàng trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, ông Huy cũng thể hiện sự khác biệt với tư duy đi trước trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Cụ thể, năm 2022, ACB đã giảm phát thải 181 tấn CO2 nhờ sử dụng thảm tái chế, giảm phát thải 112 tấn CO2 nhờ tiết kiệm giấy. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ACB cũng chính thức công bố định hướng là một ngân hàng ESG, viết tắt của Environmental - Social - Governance (Môi trường - Xã hội - Quản trị), trở thành ngân hàng dầu tiên tại Việt Nam thực hiện bộ tiêu chuẩn này. Về ESG, đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Về quản trị nội bộ, ACB được ghi nhận là một trong những tổ chức đặt yếu tố con người lên hàng đầu, với giá trị nhân văn trong văn hóa doanh nghiệp. Tính tới năm 2022, ngân hàng này đã có 4 lần liên tiếp đạt giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2022 - Best companies to work for in Asia” do tạp chí HR Asia bình chọn.

202-1690162474.jpg
Hình ảnh vị chủ tịch gắn liền với hình ảnh ngân hàng.

Chiến lược truyền thông bài bản, hướng tới người trẻ

Theo các chuyên gia truyền thông - marketing, màn đàn, hát, nhảy ngoài việc xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc, thích khám phá bản thân của ông Trần Hùng Huy, còn thể hiện một định hướng chiến lược marketing rõ nét, đó là hướng đến đối tượng mục tiêu là khách hàng trẻ.

Việc lấy nghệ thuật, âm nhạc dẫn lối cho hành vi quan tâm của khách hàng không mới. Hiệu quả đến mức độ nào thì chỉ đơn vị đầu tư chiến lược truyền thông mới thấy được, nhưng sức lan tỏa ban đầu thì có thể cảm nhận được ngay khi từ khóa "Chủ tịch Trần Hùng Huy" đứng đầu tìm kiếm trong mấy tuần liền, tương đương nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink.

Điều đáng chú ý là không phải vị chủ tịch HĐQT nào cũng sẵn sàng mang hình ảnh cá nhân của mình ra để quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, như cách mà ACB đẩy hình ảnh của Chủ tịch Trần Hùng Huy trong sự kiện lên cao nhất, nhìn đâu cũng thấy và hồ sơ thú vị của chủ tịch phải được khai thác triệt để, từ ngoại hình đến học vấn, tương tác trên mạng xã hội.

Chiến dịch đánh vào insight của công chúng thích xem màn trình diễn nghệ thuật, sự đối lập thú vị trong các nội dung được bày ra của chiến dịch truyền thông. Sự đối lập ở đây được hiểu là trong suy nghĩ của đa số công chúng, chủ tịch ngân hàng phải đạo mạo, nhiều tuổi, nói không với các hoạt động thể hiện bản thân trước đám đông. Trần Hùng Huy mang đến 1 trường hợp ngược lại nên tất nhiên mọi người sẽ tò mò và thích thú.

Nhìn trước mắt, phần biểu diễn của chủ tịch 45 tuổi Trần Hùng Huy là chiến lược PR bài bản. Hiển nhiên, nhiều nhãn hàng bắt đầu chạy theo xu hướng. Bất kỳ brand nào cũng muốn có gương mặt đại diện hay KOL đủ uy tín, nổi bật. Với trường hợp của ACB, không gì tốt hơn việc chủ tịch ngân hàng đặt mình vào vị trí KOL và gây chú ý trên mạng xã hội.

"Tất nhiên áp lực ở đây là khi chiến dịch và quá trình tạo hình ảnh người đại diện thương hiệu thành công, vị chủ tịch phải giữ gìn và tiếp tục đẩy các đặc tính thương hiệu của hình ảnh này lên cao hơn nữa. Vừa lãnh đạo giỏi vừa là gương mặt đại diện, áp lực không nhỏ. Đa phần các chủ tịch chỉ muốn làm công việc chuyên môn. Cách làm này thử thách nhưng cũng là cơ hội vì trong ngành ngân hàng ở Việt Nam gần như chưa ai làm mạnh như vậy", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh đánh giá.

203-1690162532.jpg
Diễn biến giá cổ phiếu ACB.

Đáng chú ý là sau 1 tháng rưỡi diễn ra sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB, thị giá cổ phiếu ACB chưa có nhiều biến động, chỉ tăng - giảm nhẹ quanh mức trên dưới 22.100 đồng/cổ phiếu vào kết phiên 21/7/2023. Trong một tháng rưỡi đó, chỉ có 7 phiên ACB có thị giá trên 22.000 đồng/cổ phiếu, dù được xếp trong rổ VN30. Đây chính là thách thức với Chủ tịch "Cô đơn trên sofa". Bởi chủ tịch hát hay, nhảy giỏi có thể giúp ngân hàng tăng thêm số tài khoản mở mới hay thêm nhiều lệnh mua cổ phiếu ACB, nhưng sẽ không lâu bền, nếu nhà đầu tư không được hưởng lợi./.

 

Thuỵ An
Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch "Cô đơn trên sofa", còn ACB có vươn xa?" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.